
Dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được đề xuất xây dựng tại khu đô thị Nam TP.HCM, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Dự án bệnh viện 15 năm chưa thể triển khai
UBND TP HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng và Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 6 dự án theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12/12/2024. Trong đó, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được đề cập do vướng mắc về cơ chế thanh toán và kéo dài quá trình triển khai hơn 15 năm.
Cụ thể, dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được đề xuất xây dựng tại khu đô thị Nam TP.HCM, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nhằm thay thế bệnh viện cũ tại số 929 Trần Hưng Đạo, quận 5. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.997 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), quy mô 500 giường, theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).
Từ năm 2010, Thành phố đã được Thủ tướng cho phép thực hiện thí điểm dự án theo hình thức BT, chỉ định Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải tỏa làm nhà đầu tư. Năm 2012, hai bên ký kết hợp đồng nguyên tắc. Tuy nhiên, sau đó do nhiều thay đổi trong quy định pháp luật về BT, đặc biệt là Nghị định 63/2018/NĐ-CP và Luật PPP năm 2020, dự án không còn đáp ứng điều kiện tiếp tục triển khai.
Cụ thể, dự án chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa phát hành hồ sơ mời thầu, vì vậy buộc phải dừng theo quy định tại Điều 101, Luật PPP.
Dù chưa thể triển khai, Tổng công ty cổ phần Đền bù Giải tỏa - nhà đầu tư được chỉ định - đã tạm ứng hơn 92,5 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 62 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 83,5 tỷ đồng là tiền bồi thường, hỗ trợ, còn lại là các chi phí liên quan ngoài phương án được phê duyệt.
Đến nay, thành phố gặp khó khăn trong việc hoàn trả khoản kinh phí này cho nhà đầu tư do vướng cơ chế thanh toán tài sản công trong các dự án BT.
Từ thực tế kéo dài và không còn phù hợp về quy mô, hình thức đầu tư, TP.HCM kiến nghị chấm dứt thực hiện dự án theo hình thức BT. Thay vào đó, thành phố đề xuất sử dụng hình thức đầu tư công để tiếp tục dự án và hoàn trả số tiền đã tạm ứng cho nhà đầu tư.
Cụ thể, TP.HCM xin phép Trung ương được hoàn trả khoản hơn 92 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, trong khuôn khổ dự án xây dựng bệnh viện tại khu 6A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Xem xét chấm dứt hợp đồng BT tại Khu Cổ đại
Tương tự, UBND TP.HCM đang rà soát tính khả thi của dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Cổ đại trong Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc sau nhiều năm chậm tiến độ, đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc chấm dứt hợp đồng.
Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Đức Khải theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) từ năm 2015, với tổng giá trị xây lắp thực hiện đến nay đạt gần 196,5 tỷ đồng, tương đương gần 30% khối lượng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, tiến độ thi công bị đình trệ.
Theo UBND TP.HCM, đến nay vẫn còn 176 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, cùng nhiều khu vực đặc thù như Đình Thái Bình, các khu nghĩa trang và một số đơn vị, cá nhân chưa chịu di dời. Ngoài ra, khu đất Cù Lao Bào Sang từng dự kiến dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT không còn phù hợp, trong khi chưa có phương án đất đối ứng mới.
Về mặt pháp lý, dự án cũng gặp khó khăn khi hồ sơ ban đầu do Sở Giao thông Vận tải phê duyệt – không còn phù hợp với thẩm quyền theo quy định hiện hành. Đồng thời, nhà đầu tư vẫn chưa trình hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án khi văn bản pháp lý cũ chưa đúng thẩm quyền.
Thành phố cho biết sẽ chỉ đạo các sở ngành khẩn trương đánh giá toàn diện để đưa ra hướng xử lý nếu dự án đủ điều kiện tiếp tục, sẽ điều chỉnh hợp đồng BT, rà soát quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc dùng nguồn ngân sách. Nếu không khả thi, TP.HCM sẽ đàm phán chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư và chuyển dự án sang hình thức đầu tư công.
Ngoài hai dự án kể trên, UBND TP.HCM cũng đề xuất tiếp tục cho phép Công ty Trung Thủy Lancaster đầu tư dự án tại khu đất 428-430 Nguyễn Tất Thành (Quận 4), đồng thời kiến nghị giữ lại công trình đã xây dựng trái phép để tránh lãng phí.
UBND TP.HCM cho biết, nhà đầu tư đã chấp hành nộp phạt hành chính đầy đủ, song kiến nghị cho phép giữ lại công trình hiện hữu nhằm tránh lãng phí. Theo phương án, nếu dự án được tiếp tục triển khai theo quy hoạch, công trình sẽ được hợp thức hóa để đưa vào khai thác.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý nhà, đất về việc cho phép công trình tồn tại, đồng thời khẳng định sẽ xem xét đề nghị đầu tư chính thức sau khi hoàn tất xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến ba khu đất.
Đối với dự án 239 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 4, Quận 3. UBND TP.HCM đề xuất xử lý phần diện tích sân chung thuộc sở hữu Nhà nước trong các chung cư cũ theo quy định mới của Thành phố về điều kiện tách dự án độc lập.
Nếu khu đất đủ điều kiện tách, sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu không thể tách, sẽ giao trực tiếp cho nhà đầu tư và thu tiền sử dụng đất theo quy định. Sau khi hoàn tất, Thành phố sẽ xem xét thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư tại địa chỉ 239 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3.