Tòa nhà Saigon Center, nơi thu hút đông đảo giới trẻ đến mua sắm, giờ đây vắng bóng người. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).
Chiều 11/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 7 đã có văn bản gửi đến Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 7 đề nghị Hepza và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận thông báo đến 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận có các trường hợp công nhân nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 tạm thời phong tỏa cách ly y tế để kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời, xem xét đề nghị tạm ngưng hoạt động sản xuất đối với 29 doanh nghiệp này và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ huy thống nhất việc đề nghị 29 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã được các cơ quan chức năng thẩm định, căn cứ vào những quy định và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên của Trung tâm Y tế Quận 7 cho kết quả dương tính và tình hình ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh cho rằng, việc xem xét tạm ngừng hoạt động đối với các doanh nghiệp này nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong Khu chế xuất Tân Thuận và cả cộng đồng.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức cũng đã có thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, phong tỏa đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial Việt Nam (chuyên ngành may mặc giày da) tại Khu chế xuất Linh Trung 1 do có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2.
Khu vực phong tỏa, cách ly y tế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial Việt Nam gồm hơn 20 lô trong Khu chế xuất và thời gian áp dụng bắt đầu từ lúc 18 giờ ngày 10/7 cho đến khi có thông báo mới.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Linh Trung cũng yêu cầu toàn bộ công nhân người lao động không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Hiện, nhiều công nhân, người lao động cho rằng, nếu tiếp tục cho công nhân đi làm nhằm thực hiện mục tiêu kép thì việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sẽ không đạt kết quả cao.
Nguyên do ngày càng nhiều công nhân, người lao động trong nhà máy xí nghiệp bị mắc COVID-19 nên việc đi làm hàng ngày sẽ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng…
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại có hơn 1.800 trường hợp công đoàn viên, người lao động mắc COVID-19; gần 10.000 trường hợp F1 và gần 15.000 trường hợp F2. Đồng thời, có 6 nhà máy với tổng cộng hơn 36.000 công nhân đã tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca mắc COVID-19.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao có tổng cộng hơn 320.000 công nhân lao động. Tính từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay có khoảng 38 doanh nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7)... phát hiện nhiều ca mắc COVID-19.