TP.HCM đặt ra chỉ tiêu có thêm ít nhất từ 5-10 sản phẩm du lịch đường thủy mới.
Mục tiêu có thêm sản phẩm mới
Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản về “Phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM năm 2024” nhằm thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện vận chuyển… để nâng cao năng lực tiếp cận và khả năng phục vụ khách hàng du lịch đường thủy; tăng cường sự kết nối với hoạt động của doanh nghiệp…
Trong năm 2024, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu có thêm ít nhất từ 5-10 sản phẩm du lịch đường thủy mới và có hơn 20 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đặt mục tiêu lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TP.HCM tăng từ 10-12% so với cùng kỳ.
Để đạt được các chỉ tiêu này, theo Sở Du lịch, cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch đường thủy. Theo đó, về quy hoạch, mỗi quận huyện có lợi thế ven sông cần xây dựng ít nhất một công viên cùng với công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn.
Đồng thời, mỗi quận huyện cần rà soát lại quy hoạch các công trình giao thông mới; vị trí neo đậu, bến thủy nội địa; cơ sở hạ tầng phụ trợ; các dự án về du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn và các bè nổi nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế…
Theo Sở Du lịch, nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động giao thông đường thủy. Trong đó chú trọng công tác quản lý luồng tuyến, bến bãi; kiểm soát chất lượng và quy trình hoạt động của phương tiện vận chuyển khách du lịch…
Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều loại hình phương tiện thủy (du thuyền, tàu nhà hàng, tàu lưu trú…) và đầu tư dự án “Thuyền cà phê” trên các tuyến đường thủy nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, du khách…
Mở rộng tuyến điểm
TP.HCM xây dựng thêm nhiều tuyến điểm mới để phục vụ người dân và du khách. |
Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá và xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới và các sản phẩm du lịch đường thủy kết nối TP.HCM với các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác.
Trong đó, TP.HCM phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn như: Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7), bến tàu Bạch Đằng (quận 1); tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Bạch Đằng đến quận 4, 8, 5, 6; tuyến du lịch đường thủy nội đô tại huyện Nhà Bè…
Về việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm trung, TP.HCM đẩy mạnh các tuyến đi huyện Cần Giờ, Củ Chi, Cần Giuộc (Long An), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và một số địa điểm thuộc tỉnh Bình Dương gắn với du lịch đường biển.
Với các tuyến du lịch đường thủy tầm xa, Sở Du lịch phát triển các tuyến từ TP.HCM – Bình Dương – Tây Ninh (phục vụ nhu cầu đi lại của khách vãng lai); tuyến TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương (phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao); tuyến TP.HCM – Côn Đảo (phục vụ nhu cầu du lịch biển, nghĩ dưỡng, tâm linh…).
Theo Sở Du lịch, thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đến Campuchia và ngược lại…
Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tổ chức các diễn đàn du lịch tàu biển Việt Nam; diễn đàn liên kết du lịch đường thủy TP.HCM với các vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức cuộc thi viết về “Chuyện của những dòng sông”; xây dựng bộ thuyết minh về chuẩn du lịch đường thủy và tour du lịch đường sông tầm ngắn tương tác thông minh 3D/360.