Ảnh minh họa
Bổ sung quy hoạch
Đầu tháng 5/2023, Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM.
Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư thuê đất, vì hiện nay, quỹ đất phát triển công nghiệp tại TP.HCM còn rất ít.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) thừa nhận, TP.HCM đang thiếu quỹ đất lớn phục vụ nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn. Hiện tại, Thành phố chỉ có 46 ha đất cho thuê, nhưng quỹ đất này nằm rải rác ở nhiều quận/huyện, chứ không phải một khu đất tập trung. Chính vì vậy, việc được bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và KCN Phạm Văn Hai II sẽ giúp TP.HCM có thêm quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Theo định hướng chung về thu hút đầu tư của TP.HCM trong thời gian tới là tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, KCN Phạm Văn Hai I và II sẽ hướng đến những dự án đầu tư trong các ngành công nghệ cao như robot công nghiệp, cơ khí chính xác, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, vi mạch…
Ngoài ra, điểm thuận lợi rất lớn khi xây dựng 2 KCN này là Thành phố sẽ không mất nhiều thời gian giải phóng mặt bằng, vì 97% diện tích đất cần giải giải phóng mặt bằng là đất nông nghiệp.
Cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn
Sau khi được Chính phủ đồng ý đưa KCN Phạm Văn Hai I và II vào quy hoạch, ngày 16/5/2023, Hepza đã đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đưa Dự án vào Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa 2 KCN này vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, hiện đã có một số nhà đầu tư tiềm năng đăng ký tham gia làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phạm Văn Hai I và KCN Phạm Văn Hai II, như Logos, Techtronic Industries, Goldman Sachs, Einhell, Quantum…
Khi KCN Phạm Văn Hai I và II hoàn thành, khu vực phía Tây TP.HCM sẽ hình thành chuỗi KCN gồm KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM), KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) và các KCN Tân Ðô, Tân Ðức, Hạnh Phúc (huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An)..., hình thành vùng công nghiệp trọng điểm, tăng liên kết giữa các KCN, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động.
Ðặc biệt, tuyến Vành đai 3 dự kiến khởi công tháng 6/2023, khi hoàn thành sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa từ các KCN thuận lợi hơn, giảm chi phí logistics.
Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, dù giá thuê đất ở TP.HCM cao hơn các địa phương khác, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam muốn đặt đại bản doanh hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển tại TP.HCM. “TP.HCM còn tiềm năng rất lớn để đón các tập đoàn lớn. Có nhà đầu tư công nghệ cao quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD đang làm việc, có thể đến TP.HCM trong nay mai”, ông Hưng tiết lộ.
Cùng với đó, nhiều tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại TP.HCM cũng mong muốn mở rộng dự án, tiêu biểu là Intel.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 4/2023, ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, kinh tế toàn cầu đang bị tác động bởi căng thẳng địa chính trị, lạm phát và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Intel Việt Nam đặt tại TP.HCM vẫn đang tăng trưởng tốt và đóng vai trò là địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn.
“Chúng tôi đã đầu tư thêm 1,5 tỷ USD và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam”, ông Kim Huat Ooi nói.
Chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, đồng thời, tạo thêm quỹ đất công nghiệp cũng như tập trung triển khai đào tạo nhân lực, xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài.