Chưa thống nhất trong quản lý chuyên ngành
UBND TP.HCM vừa có văn bản về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ đề án “Phát triển ngành logistisc trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện 1/8 vị trí dự kiến thành lập trung tâm logistics đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm logistics khu công nghệ cao. Các vị trí dự kiến thành lập trung tâm logistics còn lại đang rà soát pháp lý và quy hoạch các khu vực dự kiến thành lập trung tâm.
Theo UBND TP.HCM, quá trình xây dựng dự thảo quy trình phối hợp triển khai thực hiện trung tâm logistics gặp rất nhiều khó khăn vì có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, đấu giá, đấu thầu liên quan đến đất đai...
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ như việc tham mưu triển khai nhiệm vụ quy trình thực hiện trung tâm logistics còn chậm trễ góp ý, thành viên tham dự các cuộc họp không xuyên suốt, chưa có sự thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý chuyên ngành... đối với lĩnh vực logistics.
Ngoài trung tâm logistics khu công nghệ cao đã hoàn tất cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm 2023 thì các vị trí còn lại chưa thực hiện được mục tiêu quy hoạch phân khu đối với các trung tâm logistics vì các quận, huyện, TP Thủ Đức đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung..
Ngoài ra, việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa TP.HCM cho doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, mời giảng viên, báo cáo viên và thực hiện các thủ tục thanh quyết toán do chưa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.
Cần chuyển đổi số và tăng cường liên kết vùng
Hiện Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với UBND TP Thủ Đức (Trung tâm logistics Cát Lái, Long Bình, Linh Trung), UBND huyện Hóc Môn (Trung tâm logistics Hóc Môn), UBND huyện Củ Chi (Trung tâm logistics Củ Chi), UBND huyện Bình Chánh (Trung tâm logistics Tân Kiên), UBND huyện Nhà Bè (Trung tâm logistics Hiệp Phước) để rà soát pháp lý, quy hoạch các khu vực dự kiến thành lập trung tâm logistics giai đoạn 2023-2030.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, TP.HCM tiến đến xây dựng kho dữ liệu tập trung số hóa hoạt động vận tải, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung phục vụ cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, thiết lập bản đồ số logistics (GIS – Geographic Information System), thành lập trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics…
Để khắc phục các hạn chế về liên kết vùng, UBND TP.HCM đề xuất Trung Ương ưu tiên tập trung nguồn vốn cho xây dựng và phát triển hệ thống logistcs trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.
Với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, TP.HCM đã xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics hàng năm trên địa bàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics giai đoạn 2023-2030.