Giải ngân vẫn ì ạch
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, nhưng qua 7 tháng, tỷ lệ giải ngân tại TP.HCM ở mức rất thấp. Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, tính đến hết tháng 7/2024, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố mới đạt 12.064 tỷ đồng (tỷ lệ 15,2%). Số vốn giải ngân được chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra của Thành phố và tỷ lệ đạt thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước là 32,2%.
Đầu tư hạ tầng giao thông là lĩnh vực được giao nhiều vốn đầu tư công nhất, nhưng hiện nay, một số dự án trọng điểm gặp vướng mắc. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tỏ ra lo lắng khi 2 vướng mắc lớn của đầu tư công là quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng được lãnh đạo TP.HCM họp tháo gỡ thuờng xuyên, nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Với tiến độ giải ngân như hiện nay, thì số vốn giải ngân năm nay không bằng năm ngoái.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ đầu năm, Thành phố dự kiến hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn trong quý II/2024. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) và điều chỉnh cách tính giá bồi thường theo hướng có lợi hơn cho người dân, vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Thành phố đã xây dựng phương án bồi thường mới, nên giải ngân chậm so với kế hoạch ban đầu.
Hơn nữa, về công tác lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đến cuối tháng 4, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành đầy đủ, nên kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu và các bước sau đó.
Không những vậy, một số dự án có vốn đầu tư lớn của TP.HCM gặp vướng mắc về thủ tục và đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ, nên chưa thể giải ngân ngay được số vốn đã bố trí như Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) kế hoạch giải ngân là 6.800 tỷ đồng; Dự án Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng vốn giải ngân 3.717 tỷ đồng...
Ngoài ra, một số dự án cấp bách, cần triển khai đầu tư ngay, đang trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc do phát sinh thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Việc thực hiện thủ tục này phải đảm bảo các thời gian theo quy định (thời gian niêm yết, thời gian lấy ý kiến cộng động dân cư…), nên chưa đáp ứng được tiến độ và yêu cầu về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Và điều đáng lo ngại nhất, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, là tình trạng thiếu đất, cát đắp nền, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án.
Bắt đầu chạy nước rút
Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch, ngay sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã rà soát và lập bảng kế hoạch giải ngân chi tiết trong những tháng còn lại. Trong đó, số vốn giải ngân sẽ tăng dần và “chạy nước rút” trong những tháng cuối năm. Mục tiêu đặt ra là hết tháng 8, giải ngân đạt 20,4% và đến hết tháng 1/2025 đạt 94,6%.
Đặc biệt, những tháng cuối năm, TP.HCM phải tiêu hàng chục ngàn tỷ đồng. Ví dụ, từ tháng 11 đến hết tháng 12/2024, Thành phố phải giải ngân được 32.200 tỷ đồng. Số vốn này thậm chí cao gấp đôi so với số vốn đầu tư công năm 2024 mà tỉnh Đồng Nai được giao.
Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM phải thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt. Đầu tiên là chủ động điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân cao. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã điều chuyển vốn 2 đợt với tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao và bố trí vốn, để khởi công mới một số dự án cấp bách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Với những dự án đang chờ các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc, Thành phố điều chuyển tạm số vốn từ các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp chậm trễ.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, nếu dự án nào có thể chuyển giao để quận huyện làm nhanh hơn, thì đề xuất với Thành phố để làm nhanh nhất có thể. Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM, đề xuất chuyển 18 dự án cho Ban Quản lý các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện, bởi vì các Ban Quản lý dự án quận, huyện và TP.Thủ Đức có nhiều thuận lợi trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch.