Sông Sài Gòn một số đoạn hiện không có đường hai bên. Trong ảnh là sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP. Thủ Đức - Ảnh: Anh Quân
Ngày 28/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia góp ý về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Đây là báo cáo kỳ cuối để hoàn chỉnh đồ án trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá là không gian kinh tế chủ đạo của Thành phố với những dải đô thị dọc hai bên bờ sông.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất bố trí trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, trung tâm công nghệ cao, nhà hàng khách sạn và hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp nhất… dọc theo bờ sông.
Về giao thông đơn vị tư vấn đưa vào quy hoạch tuyến đường ven sông từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ, huyện Nhà Bè với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (tramway) từ trung tâm Thành phố đi Củ Chi.
Ngoài ra, phát triển các tuyến buýt đường thủy, kết nối giao thông công cộng đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo dọc theo sông Sài Gòn và các tuyến rạch chính.
Trong đợt điều chỉnh quy hoạch lần này, đơn vị tư vấn cũng đề xuất kéo dài trục động lực phía Nam song song với Quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang; bổ sung tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm TP.HCM qua cầu Phú Mỹ 2.
Đối với phía Đông bổ sung tuyến đường kết nối với Đồng Nai đến Quốc lộ 20 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và thêm tuyến đường kết nối từ đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đối với đường sắt, đơn vị tư vấn đề xuất kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ với TP.HCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội - đường Vành đai 2. Trong tương lai đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, quy hoạch chung TP.HCM không chỉ quan trọng cho Thành phố, mà quan trọng cho cả vùng vùng phía Nam nên quy hoạch phải có tính khả thi cao, tối đa hóa nguồn lực của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị cần phải hoàn thiện, làm rõ hơn nữa mô hình đô thị đa trung tâm của Thành phố vì mô hình này đã có ý tưởng, có quy hoạch nhưng vẫn chưa làm được nên không gian đô thị của Thành phố vẫn phát triển theo kiểu vết dầu loang.