TP.HCM bỏ hoang “mỏ vàng” không gian ngầm - Bài 3: Hạ ngầm đô thị bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
Thực tế cho thấy, việc hạ ngầm đô thị được xem là giải pháp cho một không gian sống trong tương lai của người dân đô thị. Vấn đề được đặt ra là không gian ngầm sẽ được hình thành ra sao và TP.HCM có thể tận dụng những nguồn lực nào để thực hiện?
Các tòa nhà hiện hữu tại TP.HCM gần như không có tính kết nối các không gian ngầm

Các tòa nhà hiện hữu tại TP.HCM gần như không có tính kết nối các không gian ngầm

Bài 3: Hạ ngầm đô thị bằng cách nào?

Thực tế cho thấy, việc hạ ngầm đô thị được xem là giải pháp cho một không gian sống trong tương lai của người dân đô thị. Vấn đề được đặt ra là không gian ngầm sẽ được hình thành ra sao và TP.HCM có thể tận dụng những nguồn lực nào để thực hiện?

Những “mỏ vàng” sớm được khai phá

Theo Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được thực hiện bởi Liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity, những không gian ngầm ở một số nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có giá trị rất lớn đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế.

Một số quốc gia có hệ thống quy hoạch ngầm, đô thị ngầm phát triển từ rất sớm. Tại nước Anh, tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới được thực hiện từ những năm cuối của thế kỷ XIX. Hay tại Nhật Bản, Trung Quốc…, vấn đề quy hoạch ngầm, phát triển mạng lưới đô thị ngầm được bắt đầu triển khai từ những năm đầu của thế kỷ XX, với hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, quy mô.

Do thiếu hụt đất và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nên không gian dưới lòng đất được đánh giá như một không gian phát triển bổ sung để đáp ứng nhu cầu đô thị. Chẳng hạn, bằng cách đặt 15% hệ thống đường cao tốc đô thị dưới lòng đất, Tokyo (Nhật Bản) đã giảm hiệu ứng tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc không còn tạo thành rào cản vật lý giữa các khu phố.

TS. Henry Chin, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tư vấn chiến lược đầu tư toàn cầu, kiêm Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của CBRE cho biết, để hình thành được những “thành phố dưới lòng đất”, Nhật Bản đã chủ trương triển khai quy hoạch không gian ngầm càng sớm càng tốt, với quy mô trên diện rộng, thậm chí vượt địa giới hành chính.

Ban đầu, các công trình ngầm của Nhật Bản chủ yếu là phố mua sắm dưới lòng đất, bắt đầu từ các lối đi ngầm với các cửa hàng kinh doanh đơn giản, sau đó dần mở rộng quy mô xây dựng, tăng thêm chức năng, để phát triển thành một không gian ngầm có hệ thống hơn và thông thoáng hơn.

Sau một thời gian, ngày càng nhiều người bắt đầu nghĩ rằng, đầu tư vào đường phố ngầm có lãi, nên tích cực tham gia kinh doanh dưới các đường ngầm. Đây là lúc dự án “thành phố ngầm” được thành hình và trở thành mối quan tâm lớn của cả Chính phủ Nhật Bản và doanh nghiệp tư nhân.

Hay tại Hồng Kông (Trung Quốc) - nơi khan hiếm đất đai, đặc biệt là đất ở, thì không gian ngầm chủ yếu được dùng cho giao thông công cộng và di dời cơ sở hạ tầng/cơ quan chính phủ lớn, với mục đích dành quỹ đất trên mặt đất để phát triển các mục đích khác quan trọng hơn như để ở.

Từ những năm 2012 - 2013, Hồng Kông (cụ thể là Cục Phát triển và Xây dựng Dân dụng - CEDD kết hợp với Phòng Kế hoạch - PlanD) đã triển khai chiến lược nghiên cứu khả thi và phát triển không gian ngầm dạng hang động (cavern development) dựa trên đặc điểm địa hình đồi núi với nền đá cứng ở Hồng Kông, thích hợp để phát triển các hang đá, đặc biệt là ở rìa đô thị.

Dự án phát triển không gian ngầm này xác định 48 vị trí chiến lược (tính đến hiện tại) đủ điều kiện để đào hang và công bố công khai để các nhà đầu tư, người quan tâm tiện theo dõi. Theo đó, các điều kiện bán đất có liên quan đến 48 vị trí đã xác định trên sẽ được áp dụng, yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng, quản lý và vận hành cả phần ngầm được kết nối với địa điểm trên mặt đất họ dự kiến mua.

TP.HCM bắt đầu từ đâu?

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, TP.HCM cần có quy hoạch tổng thể và chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án đô thị ngầm của Thành phố, đặc biệt sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.

Theo ông Trương Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, không gian ngầm đô thị gồm hai thành phần: không gian công cộng và không gian ngầm của các dự án, công trình. Những thành phần này đều được tính toán để không chồng chéo nhau.

Hiện nay, dự án metro của TP.HCM tuân thủ các quy định liên quan, lấy ý kiến nhiều bên để đánh giá, xác định phạm vi ảnh hưởng, tránh tác động đến không gian ngầm chung của đô thị. Do đó, ông Kiên cho biết, khi điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị, nội dung về không gian ngầm sẽ được làm đầy đủ.

Theo đó, Thành phố sẽ xác định khu nào khuyến khích phát triển, khu nào cần hạn chế, khu nào không được làm theo cả chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu. Thành phố cũng tính toán việc kết nối không gian ngầm các công trình với không gian ngầm công cộng.

Là người từng tham gia quy hoạch một số không gian ngầm tại TP. Montreal (Canada), KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho hay, không gian ngầm ở Montreal được xây dựng thành công là nhờ kết nối được hầu hết các công trình trọng điểm ở trung tâm thành phố, tức là các công trình ở trung tâm có tầng ngầm đa số đều kết nối với không gian ngầm này.

Với TP.HCM, khu trung tâm thiếu không gian công cộng, nên việc phát triển không gian ngầm rất cần thiết. Ngoài các không gian ngầm công cộng được quy hoạch như các ga thuộc tuyến metro số 1, còn nhiều không gian ngầm khác dưới các toà nhà, cao ốc..., nhưng đang phát triển rời rạc, Vì vậy, Thành phố cần tính toán kết nối tầng ngầm các công trình tư nhân vào không gian ngầm công cộng để mang lại hiệu quả.

Theo TS. Henry Chin, đối với các tòa nhà cao tầng đã xây dựng, việc kết nối tầng hầm của các tòa nhà này vào hệ thống đường ngầm thường gặp khó khăn về mặt kỹ thuật và tốn kém về chi phí. Vì vậy, cách kết nối này chỉ có thể áp dụng với các tòa nhà được quy hoạch trong tương lai, khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư có thể thỏa thuận trước về việc đấu nối ngầm, dựa trên lợi ích của cả hai bên.

Ông Henry Chin cho rằng, đối với một thành phố hơn 10 triệu dân và quỹ đất tại khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng trở nên khan hiếm, thì việc quy hoạch không gian ngầm là điều cần thiết để phục vụ quá trình phát triển của đô thị. Nhưng Thành phố cũng cần chuẩn bị đầy đủ 3 vấn đề khi đánh giá tính khả thi của việc triển khai các không gian ngầm.

Đầu tiên là đã có cơ sở dữ liệu chung và đồng bộ về quản lý các công trình ngầm hiện hữu (bao gồm điện, viễn thông, cấp và thoát nước…) hay chưa? Điều này giúp cơ quan quản lý có thể phối hợp lên quy hoạch xây dựng không gian đầy đủ, tránh các rủi ro có thể phát sinh, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của các công trình ngầm.

Sau khi đã có cơ sở để lên kế hoạch, thì các vấn đề về kỹ thuật sẽ cần được quan tâm tiếp theo, bao gồm địa chất, thủy văn, xác định các hướng và tuyến phù hợp.

Tuy nhiên, việc các tòa nhà hiện hữu tại TP.HCM gần như không có tính kết nối các không gian ngầm sẽ là một thách thức trong quá trình tìm các điểm kết nối phù hợp cho không gian ngầm nói chung. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách của Nhà nước, trong đó cơ sở pháp lý liên quan đến việc sở hữu và sử dụng không gian ngầm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật cần sớm được nghiên cứu.

Ngoài ra, tài chính cũng là một vấn đề rất lớn cần phải giải quyết. Giống như các dự án bất động sản thương mại, việc giải quyết bài toán tài chính luôn là vấn đề thiết yếu để các dự án có thể triển khai đúng thời hạn và tránh làm ảnh hưởng nhất có thể đến các vấn đề an sinh xã hội.

“Các vấn đề nêu trên không nhất thiết phải giải quyết lần lượt, mà cần giải quyết song song để có thể có cái nhìn tổng quan hơn, từ đó đưa ra câu trả lời chính xác cho tính khả thi của kế hoạch ngầm hóa thành phố”, ông Henry Chin gợi ý.

Tin bài liên quan