Thỏi nam châm hút FDI
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 11 tháng qua, TP.HCM đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 757 dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn Thành phố với tổng vốn đầu tư đạt 1,94 tỷ USD. Có 203 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 0,9 tỷ USD.
Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 2.031 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương khoảng 2,64 tỷ USD .
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong 11 tháng đầu năm 2017 Thành phố thu hút được 5,57 tỷ USD, tăng 96,6% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư rót vốn FDI nhiều nhất là Hàn Quốc với tỷ trọng 53,4%, con số tuyệt đối là 1,03 tỷ USD; tiếp theo là Mỹ chiếm 13,1% với 253,04 triệu USD; Nhật Bản chiếm 7,3% với 141,92 triệu USD…
Đặc biệt, ngành nghề thu hút lượng vốn FDI nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản với với 984,4 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và bằng 50,8% tổng lượng vốn FDI cấp mới.
“Trong khi 11 tháng năm 2016, số vốn FDI đầu tư vào ngành bất động sản TP.HCM chỉ đạt hơn 328,1 triệu USD, thì 11 tháng năm 2017 đã tăng gấp 3 lần và đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua”, ông Sử Ngọc Anh nói.
Con số tăng trưởng này đến từ những công ty nước ngoài liên tục đổ bộ vào thị trường bất động sản TP.HCM trong những tháng vừa qua. Đơn cử như thương vụ Công ty Nishi Nippon và Hankyu đến từ Nhật Bản hợp tác cùng Nam Long triển khai Dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, TP.HCM, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD hồi tháng 7 vừa qua.
Tiếp đó, Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) đã kêu gọi thành công số vốn 100 triệu USD từ nhà đầu tư Nhật Bản để phát triển dự án bất động sản tại TP.HCM. Bên cạnh đó, Công ty Keppel đến từ Singapore tiếp tục rót vốn phát triển các dự án tại quận 7, quận 2, TP.HCM trong năm 2017.
Hay Liên doanh Maeda (một công ty đến từ Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức hợp tác phát triển dự án Waterina tại quận 2. Maeda đang là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực quận 1, TP.HCM của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Với kênh phát triển nhà ở, Waterina là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của Tập đoàn Maeda tại thị trường Việt Nam.
Tương tự, một đại gia khác là Kajima - tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật Bản vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn 1 tỷ USD để đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm tới. Tỷ lệ góp vốn của liên doanh Kajima - Indochina Capital (ICC-Kajima) được tiết lộ ở mức cân bằng 50-50…
Dòng vốn đổ bộ cao nhất 10 năm
Lý do khiến thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm cao của nhà đầu tư ngoại, theo lý giải của ông Sử Ngọc Anh, là do TP.HCM đang thực hiện nhiều chính sách mới để hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Đơn cử, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai phục vụ đăng ký đầu tư trực tuyến đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại TP.HCM. Đồng thời, đã chính thức đưa vào vận hành chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Kết quả đã được các nhà đầu tư và doanh nghiệp hưởng ứng và ủng hộ, đã tiếp nhận 2.037 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công. Trong đó, bất động sản chiếm tới hơn 20% tổng số hồ sơ.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vốn FDI đổ mạnh vào bất động sản còn bởi trên địa bàn Thành phố hiện nay còn số lượng hàng tồn kho lớn, cộng với khoảng 500 dự án chậm triển khai. Chủ đầu tư những dự án này hiện đang nhìn thấy “cửa” tự cứu mình bằng việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cùng rót vốn phát triển dự án bất động sản.
Ngoài ra, thị trường TP.HCM còn hưởng lợi lớn từ những dự án trọng điểm như Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận đang dần hình thành hạ tầng và trong giai đoạn nhà đầu tư phát triển dự án, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7 cũng đang được nhà đầu tư phát triển giai đoạn 3…
Trong buổi báo cáo tổng quan thị trường bất động sản TP.HCM mới đây, CBRE Việt Nam cho biết, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản TP.HCM rất lớn. Khẩu vị của các nhà đầu tư này là săn tìm cơ hội phát triển các dự án nhà ở có vị trí kết nối tốt với khu trung tâm thành phố hoặc những tài sản đã đi vào hoạt động, có thể mang về dòng tiền ổn định.
“Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy một thực tế là đa số nhà đầu tư ngoại không đưa ra quyết định nhanh chóng mà dành ra nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường bài bản, sau đó mới có động thái cụ thể đầu tư. Chính vì vậy mà những năm 2015, 2016 ít nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản nhưng từ 2017 trở đi, các nhà đầu tư cho rằng đã là thời điểm tốt để đầu tư nên những thương vụ rót vốn liên tục diễn ra thời gian qua”, chuyên gia của CBRE nói.
Cũng theo CBRE, làn sóng đầu tư bất động sản tại TP.HCM của khối ngoại ngày càng mạnh mẽ còn được lý giải bởi 2 nguyên nhân là các chỉ số cơ bản của thị trường như tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số trẻ, thu nhập kỳ vọng tăng trưởng đều, kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo...
Ngoài ra, nỗ lực cải thiện chỉ số minh bạch của ngành địa ốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tại thị trường TP.HCM, hiện nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ tiếp cận thông tin thị trường và khung pháp lý, thủ tục cấp phép dự án…
Ngoài ra, trong ấn phẩm mới nhất của Savills vừa được công bố - Impacts: The future of global real estate (Các tác động đến tương lai của thị trường bất động sản toàn cầu) đưa ra thông tin đó là TP.HCM được xét là thành phố xếp thứ ba thế giới về khả năng tăng giá thuê bất động sản, thứ năm thế giới về tiềm năng đầu tư và xếp thứ hai thế giới về tiềm năng phát triển.
Thông tin trên được giới phân tích thị trường đánh giá là một tín hiệu tích cực, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại trong năm 2018. Đặc biệt, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, việc TP.HCM lọt vào top những thị trường bất động sản có tình hình hoạt động khả quan nhất trên thế giới với những vị trí cao đã cho thấy thị trường hồi phục nhanh và bền vững.
“Điều này đã giúp TP.HCM vượt lên trên tất cả các thành phố được khảo sát trên toàn cầu, trở thành lựa chọn số 1 cho nhà đầu tư muốn mua các loại hình bất động sản văn phòng, mặt bằng bán lẻ và nhà ở”, ông Troy Griffiths nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com