Tình trạng cơi nới, đấu nối dây điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao

Tình trạng cơi nới, đấu nối dây điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao

TP.HCM: Báo động tình trạng cháy, nổ tại chung cư

(ĐTCK) Hàng loạt công trình xây dựng chung cư trên địa bàn TP.HCM vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thậm chí, có nhiều chung cư không có hệ thống PCCC, khiến cho các cư dân luôn sống trong bất an.

Nhiều chung cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ TP.HCM, từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 6.245 sự cố cháy khiến 85 người chết, 238 người bị thương; 13 vụ nổ làm 10 người chết, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản từ các vụ cháy, nổ hơn 835 tỷ đồng. Điển hình là vụ cháy ngày 23/3/2018 tại Chung cư Carina, quận 8 làm 13 người chết, 51 người bị thương; vụ cháy ngày 17/4/2016 tại Chung cư Sài Gòn Peal, quận Bình Thạnh gây thiệt hại 415 triệu đồng.

Ngoài ra, tính riêng từ tháng 4/2018 đến nay, Cảnh sát PCCC Thành phố đã phát hiện 582 lỗi vi phạm PCCC, lập biên bản xử phạt 334 vụ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tiến hành tạm đình chỉ hoạt động đối với 9 cơ sở. Điều đáng nói, những cơ sở trên đã tồn tại nhiều năm, đã đưa dân vào sử dụng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao.

Cũng trong năm 2018, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã công bố 8 dự án nhà ở chung cư không đảm bảo an toàn cho người dân. Cụ thể: Chung cư City Gate Tower (quận 8), Chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình), Chung cư Viên Ngọc Phương Nam (quận 8), Chung cư Cao Ốc Xanh (quận 9), Cao ốc Ngọc Khánh (Cao ốc Kim Hoàng Mỹ, quận 5), Chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân), Chung cư Bắc Bình (quận Bình Thạnh), Chung cư Lô G Hùng Vương (quận 5), tất cả những công trình này hoạt động từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu PCCC.

 Vụ cháy ở chung cư Carina (quận 8) làm 13 người chết, 51 người bị thương

Ngoài những chung cư vừa mới đưa vào sử dụng, tình trạng mất an toàn PCCC xuất hiện nhiều nhất ở các chung cư được xây dựng trong giai đoạn 1975 - 2005, phần lớn các chung cư này đều không có hệ thống PCCC. Sau này, một số chung cư được lắp đặt bổ sung hệ thống PCCC vách tường, nhưng nhiều trường hợp không còn hoạt động. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý cơi nới ban công, làm gác lửng trong căn hộ để tăng diện tích xử dụng cũng gia tăng nguy cơ cháy, nổ cao..

Tại hội nghị chuyên đề công tác quản lý nhà nước về chung cư do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do một số quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đặc biệt là trong giai đoạn trước khi có Luật Nhà ở 2014.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, trong khi các cơ quan chức năng của địa phương con buông lỏng quản lý, chưa phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và cư dân. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm cũng chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chưa triệt để. 

TP.HCM: Báo động tình trạng cháy, nổ tại chung cư ảnh 2

 Rất nhiều chung cư cũ được xây dựng từ năm 1975 - 2005 đều không có hệ thống PCCC

Còn theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, nguyên nhân các vụ cháy ở chung cư chủ yếu là do câu mắc, sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn dấn đến chạm, chập điện (chiếm 70%). Ngoài ra, còn do các nguyên nhân người dân bất cẩn trong sinh hoạt như đun nấu, sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa trần không đúng quy định.

Đối với những công trình cao tầng, khi xảy ra cháy thì diện tích đám cháy phát triển nhanh theo chiều cao công trình và nhiệt độ đám cháy gia tăng nhanh, truyền nhiệt nhanh làm giảm độ bền vật liệu và kết cấu xây dựng dẫn đến sự biến dạng và gây sụp đổ công trình khiến cho công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

“Tình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, có nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nguy hiểm nhất vẫn là chung cư cao tầng. Theo đó, áp lực về nhà ở của người dân tại TP.HCM trong thời gian tới sẽ không giảm, kéo theo số lượng nhà chung cư cao tầng sẽ nhiều hơn, kèm theo nhu cầu trong sinh hoạt về sử dụng gas, các thiết bị tiêu thụ điện ngày càng tăng”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM nhận định.

Cũng theo ông Hưởng, nếu công tác quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến đầu tư, xây dựng dự án, công trình thiếu hiệu quả, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC và người dân, doanh nghiệp không nâng cao ý thức về PCCC, thì tình hình cháy nổ có khả năng sẽ xảy ra rất cao và gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, ông Hưởng cũng nêu sự bất cập, chồng chéo giữa Nghị định 79 và Chỉ thị 20 gây khó khăn cho công tác PCCC. Theo Nghị định 79 ban hành năm 2014, những đối tượng, cơ sở thuộc mục 1, mục 2 của nghị định này cho phép PCCC kiểm tra 4 lần/năm. Tuy nhiên năm 2017, Chính phủ có Chỉ thị 20 chỉ cho phép cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

“Giờ chúng tôi vẫn loay hoay trong việc kiểm tra 1 lần hay 4 lần. Nếu như kiểm tra 1 lần theo Chỉ thị 20 để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, thì khi xảy ra sự cố cháy chết người, đoàn kiểm tra vào cuộc lại hỏi tại sao Nghị định 79 yêu cầu kiểm tra một năm 4 lần mà các anh kiểm tra có 1 lần”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nói.

Tiếp tục quy hoạch ngành PCCC

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội liên quan đến công tác PCCC vừa qua, Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đề xuất tiếp tục dự án “Quy hoạch ngành PCCC” với tổng kinh phí trên 8.000 tỷ đồng, trong đó phân bổ của TP.HCM vào khoảng 50% ở 2 giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025.

“Kể từ khi thành lập cơ quan Cảnh sát PCCC TP.HCM, chúng tôi đã cùng với các sở, ngành quận huyện; các nhà khoa học trong Thành phố kể cả xin ý kiến của các nhà khoa học bộ, ngành để hoàn thành nghiên cứu xây dựng một dự án ‘Quy hoạch ngành PCCC’ trên địa bàn TP.HCM. Dự án đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành vào tháng 7/2016”, ông Bửu cho biết.

Cũng theo ông Bửu, dự án “Quy hoạch ngành PCCC” thể hiện 4 trụ cột bao gồm: Việc phát triển mạng lưới cấp nước chữa cháy phủ khắp địa bàn TP.HCM; Quy hoạch hệ thống tổ chức các đơn vị Cảnh sát PCCC để rút ngắn khoảng cách hoạt động; Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa, đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC; Đào tạo, xây dựng lực lượng.

Cũng tại buổi làm việc, bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị UBND TP.HCM di dời các khu hóa chất ra khỏi khu dân cư, nhất là khu hóa chất Tân Cảng - Cát Lái, bởi đây là những nơi tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ rất cao.

“Trong khu vực kho hàng Tân Cảng - Cát Lái có khu hàng hóa chất. Đây là nguồn nguy hiểm cao độ, có nguy cơ cháy, nổ rất cao. Trong lần họp này, tôi đề nghị UBND TP.HCM quan tâm bố trí khu hàng hóa chất Tân Cảng xa khu dân cư, vì nếu có sự cố gì xảy ra thì chắc chắn thiệt hại sẽ rất lớn”, bà Hoa nêu ý kiến.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan