Trước vấn đề nhà đầu tư quan tâm liên quan đến cổ tức, bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ thông tin mới, năm 2017 là năm đầu tiên TPBank đã hoàn tất toàn bộ câu chuyện liên quan đến những tồn tại trong quá khứ về mặt tài chính, bù đắp các khoản lỗ lũy kế và được NHNN phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ chi trả cổ tức là 8,37%, dự kiến trong quý 2/2018 sẽ hoàn tất thủ tục chi trả cổ tức cho cổ đông.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ thông tin với nhà đầu tư tại Hội thảo
“Trong tương lai, chúng tôi cam kết tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân các năm tối thiểu là 15% và chúng tôi tự tin sẽ chi trả được tỷ lệ cổ tức cho cổ đông tối thiểu là 10% trong năm tiếp theo. Chúng tôi đã cam kết là làm và làm là làm đến cùng. Trong tương lai 5-8 năm hay tầm nhìn xa hơn nữa, một tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 32% đủ để nhà đầu tư tính ra mức cổ tức ngân hàng sẽ trả là 10-15%/năm”, bà Hương nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về lợi thế của TPBank so với các ngân hàng khác, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, là Ngân hàng sinh sau đẻ muộn nhưng có những lợi thế nhất định ví dụ như lợi thế về công nghệ. Càng ứng dụng công nghệ nhiều thì càng tiết kiệm về thời gian và chi phí.
Thống kê trên kênh Ngân hàng số, online của TPBank cho thấy chi phí chỉ bằng một phần mấy chục lần so với kênh truyền thống. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kinh doanh chuyên nghiệp, dày dặn trong suốt thời gian qua cho phép đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đặc biệt. Môi trường làm việc liêm chính với chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho nhân viên tốt là động cơ để cán bộ nhân viên nỗ lực và đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.
“Ngoài những bản sắc riêng trên đây, vẫn còn nhiều vấn đề khác giúp TPBank có những lợi thế so với nhiều ngân hàng”, ông Hưng nói.
Bà Hương chia sẻ thêm về kế hoạch tăng vốn của Ngân hàng từ 5.842 tỷ đồng lên tối thiểu 8.500 tỷ đồng đến từ 2 nguồn: thứ nhất, phát hành riêng lẻ tăng 15% vốn của ngân hàng có phần thặng dư và bước đầu NHNN cho tăng bằng mệnh giá rồi chia tiếp thặng dư. NHNN đã phê duyệt phương án và Ngân hàng đang hoàn tất thủ tục với Ủy ban Chứng khoán. Giá trị giao dịch khoảng 100 triệu USD; thứ hai, chia 533 tỷ đồng cổ tức bằng cổ phiếu của năm 2017. Trong trường hợp thị trường thuận lợi và nhu cầu vốn tăng cáo có thể ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng vốn tự có lên 10.000 tỷ đồng vào quý cuối cùng của năm.
“Mỗi năm Ngân hàng đều có kế hoạch tăng trưởng vốn tự có, ít nhất trong 5 năm tới TPBank sẽ giữ vốn tự có trên tổng tài sản khoảng 10%. Đảm bảo vốn của cổ đông đưa vào ngân hàng sẽ đạt được những lợi ích. Ban điều hành vẫn thường nói với nhau, vốn cổ đông đắt nhất vì huy động tại ngân hàng lãi suất cao nhất chỉ có 7,2%/năm nhưng khi cam kết với nhà đầu tư là 15% sau thuế, năm 2018 TPBank đạt lợi nhuận 2.200 tỷ đồng với vốn 8.500 tỷ đồng đạt 23,7%, một mức rất căng thẳng cho những người kinh doanh”, bà Hương nói.
Trước câu hỏi của nhà đầu tư, tại sao nhà tư vấn định giá 32.000 đồng/cổ phiếu TPBank, ông Nguyễn Hồng Nam, đại diện SSI cho biết, cơ bản dựa vào quy mô của ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản… Sự khởi sắc của nền kinh tế, việc giải quyết những vấn đề cơ bản của nợ xấu sẽ giúp hoạt động kinh doanh tốt đưa đến mức lợi nhuận tốt. Bên cạnh đó, cổ phiếu hầu hết các ngân hàng trên sàn chứng khoán đều có kế hoạch tăng 70-80% còn dài hạn là 30%.
“Chúng tôi cũng có giảm giá một chút, cân đối với mức giá của nhiều ngân hàng đã từng niêm yết là nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng tốt từ năm ngoái đến nay”, ông Nam nói.
Được biết, năm 2016, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) đã trở thành cổ đông của TPBank với tỉ lệ sở hữu 4,99%. Cách đây chưa lâu, quỹ ngoại PYN Elite Fund đã chi gần 40 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần ngân hàng với số tiền gần gấp đôi so với IFC trước đó hơn 1 năm. PYN Elite Fund là quỹ đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam và đang sở hữu khối tài sản 444 triệu EUR tính đến cuối tháng 3/2018.
Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của TPBank không ngừng tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan. TPBank là ngân hàng phát triển mạnh nhất tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2017 dựa trên các tiêu chí: tốc độ tăng trưởng, chất lượng tài sản, quy mô vốn và vị thế của TPBank theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng mạnh qua các năm, từ 76,2 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên hơn 124 nghìn tỷ đồng năm 2017, tăng gần 63%.
TPBank nằm trong nhóm các ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng với con số đạt được năm 2017 là 1.206 tỷ nhờ tăng trưởng thu nhập lãi thuần đạt 150% so với năm 2016, mở rộng dịch vụ thanh toán và hiệu quả giao dịch trái phiếu Chính phủ. Tính đến hết tháng 3/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ; tổng huy động đạt trên 110 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,95%.
Năm 2017, ROE của TPBank đạt 15,59%. Đây là kết quả khá cao khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng ở mức trung bình so với các ngân hàng TMCP khác. Năm 2018, TPBank phấn đấu ROE đạt khoảng 20%, tăng 4,4 điểm phần trăm so với mức 15,6% năm trước. So với các ngân hàng khác, tỷ suất sinh lời tại TPBank năm 2017 cũng thuộc nhóm dẫn đầu.
Chất lượng tài sản của TPBank được đánh giá tốt, chỉ số nợ xấu NPL ở mức thấp so với trung bình ngành và tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất trong các ngân hàng có quy mô tương đương. Có thể thấy, TPBank đã trở thành một trong các tổ chức tăng trưởng ấn tượng nhất trong các năm qua. Năm 2018, nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần gấp đôi so với 2017, tăng 82,65% với số tuyệt đối là 2.200 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên gần 140.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức quy định. TPBank cũng kì vọng vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2018 sau khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE.