Cái được nhất của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là hai bên hiểu nhau hơn cùng tháo gỡ khó khăn trong cung cầu vốn

Cái được nhất của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là hai bên hiểu nhau hơn cùng tháo gỡ khó khăn trong cung cầu vốn

TP. HCM: Vốn ưu đãi sẽ chảy vào nông nghiệp, starup

(ĐTCK) Sau một năm 2016 thành công trong việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục có những bước đi mới trong năm 2017.

2016: 227.708 tỷ đồng vốn rẻ đến với doanh nghiệp TP. HCM

Một trong những chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp được xem là lan tỏa nhanh nhất trong việc dẫn vốn ngân hàng tới doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM kết hợp Sở Công thương và các quận, huyện trên địa bàn triển khai dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, đó là Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Gói tín dụng tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đăng ký theo tiêu chí đặt ra về lãi suất, điều kiện tín dụng, gắn kết với các chương trình kích cầu đầu tư, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bình ổn thị trường… tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn phát triển. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 7%/năm, trung dài hạn lãi suất cho vay 8 - 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trong năm 2016, năm thứ 5 thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, lãi suất và thủ tục giao dịch.

Tổng số tiền cho vay cao hơn 60% so với năm 2015, bằng cả số tiền cho vay, giải ngân của Chương trình trong 4 năm qua, với số lượng khách hàng gấp 2,3 lần của 4 năm trước. Cụ thể, 16 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng qua chương trình trong năm 2016, với số tiền là 211.548 tỷ đồng. Đã thực hiện giải ngân với số tiền 227.708 tỷ đồng, gấp 1,08 lần so với kế hoạch đăng ký ban đầu.

Với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Minh cho biết, trong năm 2017, bên cạnh việc cho vay đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ…, Chương trình tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ sản xuất - kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp theo định hướng Chính phủ, UBND TP.HCM về lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp diễn ra hôm qua (10/1), bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao nỗ lực lớn từ các bên tham gia. Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, để chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa, các ngân hàng cần tiến tới việc doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn ngay sau khi ký kết. 

Đại diện UBND quận 7, TP.HCM cho biết, từ những kết quả đạt được trong năm 2016, chính quyền quận sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và ngân hàng để tăng kết nối giữa các bên, khơi thông dòng chảy vốn rẻ ngân hàng vào các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh. 

Ngân hàng – doanh nghiệp cần hiểu nhau hơn

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, với hơn 70% doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh rất lớn. Trước đây, việc tìm vốn luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính xảy ra từ năm 2008 - 2011, các doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, ngân hàng không còn tin tưởng doanh nghiệp. Nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao.

Do đó, dù muốn vay vốn lãi suất cao, các doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, hiện tình hình đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn nhiều. Phía ngân hàng đã chủ động tìm đến doanh nghiệp để cung ứng vốn.

Đáng chú ý là kể từ khi Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ra đời là cầu nối thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm vốn sản xuất - kinh doanh. Đây là lần đầu tiên, việc vay vốn của doanh nghiệp – ngân hàng có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Điều này rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp khi có nhu cầu vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp không còn bế tắc về vốn như trước đây hay phải trả lãi vay với mức cao, tất nhiên là phía doanh nghiệp cũng phải là những đơn vị đáp ứng được điều kiện tín dụng các ngân hàng đưa ra.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội TP.HCM cho rằng, phía ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải có sự đầu tư và tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Bởi hiện lãi suất cho vay không còn là áp lực đối với doanh nghiệp như trước đây.

Đánh giá được đưa ra từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã lan tỏa khá rộng, không chỉ ở khu vực TP.HCM, mà còn được nhân rộng trên cả nước, với tổng dư nợ giải ngân của chương trình từ đầu đến nay đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng trên cả nước.

Riêng tại địa bàn TP.HCM, dư nợ giải ngân theo Chương trình chiếm khoảng 20-25% tổng dư nợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Thanh, cái được hơn của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là ngân hàng - doanh nghiệp hiểu nhau hơn, để tháo gỡ khó khăn trong cung - cầu vốn vay. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước thấy được những khó khăn để điều chỉnh và tháo gỡ cho cả hai phía.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, các ngân hàng cần phải hiểu được các doanh nghiệp cần gì để có thể cung ứng vốn kịp thời, tăng trưởng dư nợ. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn vay giá ưu đãi.

“Để đẩy mạnh phát triển hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn nói chung, Thành phố cần có thêm các chương trình tín dụng ưu đãi để đẩy mạnh hỗ trợ vốn khách hàng”, Phó thống đốc khuyến nghị.   

Tin bài liên quan