Đến thời điểm này, trên địa bàn TP. HCM, các ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc diện triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 22,6 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Với đối tượng khách hàng DN, hiện mới chỉ có Chi nhánh BIDV xem xét giải ngân cho CTCP Tư vấn thương mại và dịch vụ địa ốc Hoàng Quân 540 tỷ đồng.
Lãnh đạo BIDV Chi nhánh TP. HCM cho hay, mới có 1 hồ sơ trong tổng số 9 hồ sơ của DN bất động sản đề nghị vay theo gói vốn trên được Ngân hàng trình lên Bộ Xây dựng.
Lý giải nguyên nhân hiện chưa có DN bất động sản nào được giải ngân theo gói vốn 30.000 tỷ đồng dù nhu cầu vay vốn rất lớn, ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Sở giao dịch 2 của BIDV cho rằng, điều kiện để được cấp vốn đối với DN phát triển nhà ở xã hội vẫn quá khắt khe. Cụ thể, quy định các DN được vay phải có quỹ đất sạch và được cấp phép xây dựng dự án, nhưng nếu DN đáp ứng đủ điều kiện này thì ắt hẳn đã tiến hành vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án từ trước, nên giờ muốn tham gia vay gói 30.000 tỷ đồng lại gặp không ít khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển đổi công năng dự án.
Mặt khác, theo ông Nguyên, các hồ sơ tham gia vay vốn của DN trước khi được ngân hàng giải ngân phải được gửi lên Bộ Xây dựng xét duyệt, nếu Bộ Xây dựng đồng ý thì phía ngân hàng mới tiến hành giải ngân. Trình tự thủ tục này mất rất nhiều thời gian, nhưng xác suất hồ sơ được giải ngân lại rất thấp. Vì thế, khi gói 30.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai, rất nhiều DN hào hứng nộp hồ sơ xin vay vốn, nhưng sau đó đã lặng lẽ rút lui.
Mục tiêu của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ các DN tạo ra nguồn cung nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ, bởi ngoài việc chứng minh đầy đủ hồ sơ pháp lý, DN còn phải chứng minh tài sản thế chấp, tính hiệu quả của dự án… Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản đóng băng khiến đa số DN bất động sản nằm trong nhóm nợ xấu, chỉ một số DN có tài sản bảo đảm mới đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
Trong khi đó, tại khoản 4, Điều 2, Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước có quy định, tổng mức cho vay của các ngân hàng đối với DN chiếm tối đa 30% trong gói vốn 30.000 tỷ đồng, tương ứng 9.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, trong từng thời điểm, tỷ lệ phân bổ vốn đối với đối tượng khách hàng cá nhân và DN thuộc diện được vay gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng có thể thay đổi, nhưng trong tổng nguồn tái cấp vốn cho các NHTM có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay DN. Bên cạnh phần tái cấp vốn của NHNN, một số NHTM đã tự cân đối thêm nguồn vốn của ngân hàng và cam kết cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 6%/năm. Vì thế, nếu cơ cấu cho vay ưu đãi lãi suất của một ngân hàng là 60% cho khách hàng DN và 40% cho khách hàng cá nhân thì điều đó không có nghĩa là đi ngược lại với quy định tại Thông tư 11, mà phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng đó.
Có thông tin cho rằng, hiện không chỉ DN khó đáp ứng được điều kiện vay vốn gói 30.000 tỷ đồng, mà ngay cả bản thân ngân hàng cũng không mấy hào hứng triển khai gói vốn này. Một phần là do đối tượng vay là người thu nhập thấp, để chứng minh được khả năng trả nợ của bản thân không phải là vấn đề đơn giản, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao vẫn rình rập các ngân hàng. Còn với khách hàng DN, theo lãnh đạo Agribank, trong quá trình cho vay sẽ có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của nhà nước vào cuộc.
Thừa nhận việc giải ngân gói vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội tại địa bàn TP. HCM còn chậm, nhưng ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, đây là gói cho vay trung và dài hạn nên cần thêm thời gian để đánh giá.