Đó là một trong những nội dung chính của Sách trắng Công nghệ thông tin được ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố tại Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin - viễn thông (VIO) Việt Nam 2014 do Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng các cơ quan chức năng tổ chức cuối tuần qua, tại TP.HCM
Theo khảo sát, ngành công nghiệp công nghệ - thông tin tiếp tục khởi sắc với tổng doanh thu năm 2013 trên 39 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2012. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phần cứng - điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, với 36,8 tỷ USD, tăng 59,2% so với năm trước, chiếm 93% tổng doanh thu toàn ngành. Công nghiệp phần mềm và nội dung số sau thời kỳ đối mặt với nhiều khó khăn đã khởi sắc trở lại, đạt tổng doanh thu khoảng 2,6 tỷ USD.
Thị trường viễn thông có nhiều thay đổi do chính sách thắt chặt quản lý giá cước, thuê bao di động trả trước và sự bùng nổ của dịch vụ OTT (cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông). Số lượng thuê bao di động chỉ đạt 123,7 triệu thuê bao, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với năm 2013, tương ứng mức giảm 6%. Trong khi đó, số thuê bao 3G đã cán mốc 19,7 triệu thuê bao, tăng gần 4 triệu thuê bao, tương ứng với 25,4%. Tổng doanh thu viễn thông đạt 7,4 tỷ USD, giảm gần 13% so với năm 2013. VNPT vẫn làm chủ thị trường cố định, trong khi Viettel vẫn soán ngôi đầu về thị phần thuê bao di động.
Lĩnh vực bưu chính và phát thanh truyền hình tăng trưởng ổn định, với doanh thu tương ứng là 316,5 và 276,4 triệu USD. Năm 2013, đã có trên 1.300 trang thông tin điện tử tổng hợp và 420 mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Cả nước có 80 doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến, với 82 trò chơi đã được phê duyệt kịch bản.
Về ứng dụng công nghệ - thông tin, tính đến cuối năm 2013, 100% cơ quan nhà nước đều có cán bộ chuyên trách và đã triển khai các ứng dụng trên mạng nội bộ. 100% các cơ quan nhà nước đã xây dựng trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp gần 102.000 dịch vụ công mức 1 và 2, 2.300 dịch vụ công mức 3 và 111 dịch vụ công mức 4.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, mặc dù tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ - thông tin đạt 73,8%, tăng 9% so với năm 2012, song chỉ có 27,5% cơ quan đã ban hành quy chế về an toàn thông tin, 27,1% đã ban hành quy trình xử lý sự cố với tỷ lệ áp dụng các giải pháp trung bình chưa vượt quá 25%. Đặc biệt, một số số liệu thị trường an toàn thông tin lần đầu tiên được đưa vào Sách trắng 2014, như thị trường sử dụng phần mềm diệt virus, tưởng lửa và hệ thống phòng chống truy nhập, bước đầu cho thấy mức độ lựa chọn của người tiêu dùng với các sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin tại Việt Nam.
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông tiếp tục được duy trì ổn định về quy mô và hình thức, với trên 290 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về công nghệ - thông tin và viễn thông. Số lượng trường có đào tạo nghề về viễn thông, công nghệ - thông tin tăng gần gấp đôi, với 228 đơn vị. Trong khi đó, về nghiên cứu và phát triển, đã có tổng số 568 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 788 đề tài khoa học cấp Bộ được triển khai nghiên cứu.