TP. HCM, Đồng Nai... cam kết hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp

(ĐTCK) “Mọi nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài đều được đảm bảo an toàn” là cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo các địa phương chủ chốt trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong các buổi họp khẩn do lãnh đạo các địa phương này tổ chức sau vụ phá hoại của những kẻ quá khích vừa qua.
TP. HCM, Đồng Nai... cam kết hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp

TP.HCM là địa phương có phản ứng nhanh nhất trong biến cố này. Ngay sau khi xảy ra sự việc, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tổ chức ngay 3 cuộc gặp với Tổng lãnh sự, Hiệp hội Các doanh nghiệp nước ngoài; lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý.

Đến nay, hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã ổn định sản xuất. Tại Khu chế xuất Linh Trung, ông Lê Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Sepzone Linh Trung (chủ đầu tư KCX Linh Trung) cho biết, đến ngày 19/5, 100% doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2 đã hoạt động bình thường.

Tương tự, tại Khu chế xuất Tân Thuận, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (Chủ đầu tư xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cho biết, 100% doanh nghiệp hoạt động ổn định. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn làm cả ngày Chủ nhật (18/5) để kịp thời đáp ứng đơn hàng.

Tại Đồng Nai, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, khoảng 70% doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, DIZA đã thống kê cơ bản thiệt hại ban đầu của các doanh nghiệp FDI. Từ sáng 16/5, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và DIZA đã thành lập 6 đoàn công tác đi khảo sát và gặp gỡ nhà đầu tư tại các khu vực xảy ra hành vi quá khích.

“Đồng Nai cam kết đảm bảo ổn định tình hình an ninh và không để tái diễn sự việc như vừa qua. DIZA cũng ghi nhận hiện trạng để đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Trước mắt, theo đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành công an cấp ngay lại con dấu cho các doanh nghiệp bị mất. Với các doanh nghiệp bị thất lạc hồ sơ, giấy tờ, DIZA tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra hồ sơ lưu. Cục Thuế, Cục Hải quan được chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu hàng của doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bạch Hường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết, trong vụ phá hoại vừa qua, các khu công nghiệp của Tín Nghĩa có rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại khá nặng. Để hỗ trợ nhà đầu tư, trước mắt, Tín Nghĩa đã tổ chức thăm hỏi động viên tạo sự an tâm, cam kết đảm bảo an ninh tính mạng và tài sản cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan