Sản lượng toàn cầu của tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản lao dốc 12,9% trong tháng 6/2024, xuống còn 795.862 xe. Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua.
Tại thị trường sân nhà, sản lượng của hãng ghi nhận giảm 18,8% so với năm ngoái, sau khi Bộ Giao thông vận tải phát hiện những bất thường trong đơn xin cấp chứng nhận cho một số mẫu xe của Toyota và các nhà sản xuất khác. Trong khi loạt vấn đề của hãng về gian lận dữ liệu an toàn còn chưa được dập tắt, vụ bê bối này không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.
Ở Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất xe điện nội địa như BYD nhanh chóng thâu tóm được thị phần và mạnh tay giảm giá xe, sản lượng của Toyota sụt 21,7% - đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp sản lượng của Toyota giảm 20% trở lên.
Sản lượng tại Bắc Mỹ giảm 6,2% trong khi tại châu Âu giảm 6,6% do số ngày sản xuất ít hơn so với năm ngoái.
Do ảnh hưởng của sản lượng, doanh số trên toàn thế giới của Toyota cũng cho thấy sự đi xuống 5,1% trong tháng 6.
Tập đoàn ô tô Nhật Bản dự kiến sẽ báo cáo kết quả tài chính quý I trong tuần này. Theo ước tính đồng thuận của LSEG, lợi nhuận hoạt động dự kiến sẽ tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.350 tỷ yen, một phần nhờ vào sự suy yếu của đồng yen và nhu cầu mạnh mẽ đối với xe hybrid tại Hoa Kỳ.
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, sản lượng và doanh thu toàn cầu (bao gồm thương hiệu xe sang Lexus) của Toyota đều cho thấy tình hình kinh doanh không khả quan với mức giảm lần lượt là 5% và 0,9% so với năm ngoái.
Giữa bức tranh kinh doanh u ám, tỷ lệ ủng hộ của cổ đông dành cho Chủ tịch Toyota Motor, ông Akio Toyoda đã chạm mức báo động, chỉ còn 72% trong cuộc họp thường niên hồi tháng 6. Con số này so với mức ủng hộ là 85% vào năm 2023.
Ông Toyoda cho biết mình có thể sẽ không giữ được vị trí trong hội đồng quản trị nếu sự ủng hộ của cổ đông tiếp tục đi xuống với tốc độ như hiện tại.
Kết quả 72% dành cho cháu trai 68 tuổi của người sáng lập Toyota đánh dấu mức xếp hạng ủng hộ thấp nhất từ trước đến nay đối với một chủ tịch trong lịch sử tập đoàn.
Tỷ lệ ủng hộ của ông trong số các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặc biệt yếu ở mức 34%. Trước cuộc họp, các cố vấn ủy quyền Institutional Shareholder Services (ISS) và Glass Lewis đều phản đối cách Toyota xử lý các hành vi vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận.
Tỷ lệ ủng hộ của ông Toyoda trong số các nhà đầu tư tổ chức trong nước ở mức khoảng 55%, so với 70% trở lên trong năm trước.
Điều đó cho thấy một nửa trong số họ yêu cầu ông từ chức vì hành vi của mình trong năm qua.