Ông có nhận xét gì về hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của các doanh nghiệp niêm yết trong vài năm gần đây?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta |
Hoạt động IR của các doanh nghiệp có xu hướng cải thiện kể từ năm 2018, thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu hút vốn ngoại, với các đợt cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tổ chức FTSE xem xét đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kể từ năm 2020, thì xu hướng triển khai các hoạt động IR giảm dần, điều này có thể lý giải do chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong đó, hoạt động IR có xu hướng triển khai online nhiều hơn trong giai đoạn dịch bệnh 2020 - 2022.
Hoạt động IR có dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2023, khi tình hình kinh tế có triển vọng khả quan và các doanh nghiệp bắt đầu có động thái khởi động tăng vốn trở lại, nhưng hoạt động IR vẫn chủ yếu diễn ra ở nhóm vốn hóa lớn.
Tại một số cuộc họp đại hội cổ đông 2024 của doanh nghiệp niêm yết, có những cổ đông đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp chịu khó tham gia các hội nghị do công ty chứng khoán tổ chức, gặp gỡ đối thoại với giới chuyên gia phân tích để thị trường hiểu hơn về doanh nghiệp. Ông có quan điểm gì về vấn đề này, có nên đánh đồng IR và quan hệ công chúng (PR), truyền thông thương hiệu?
Hoạt động IR tốt sẽ giúp củng cố niềm tin, vốn là là yếu tố quan trọng nhất để giữ chặt các nhà đầu tư trung thành và nhà đầu tư dài hạn.
Tôi cho rằng, hoạt động IR không nên dừng lại ở việc tiếp xúc các công ty chứng khoán, mà hoạt động này còn nên được triển khai với các nhà đầu tư tổ chức lẫn các nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, tần suất tiếp xúc với các nhà đầu tư nên được diễn ra định kỳ hàng quý để kịp cập nhật hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến với các nhà đầu tư, nhất là ở các thời điểm hoạt động kém hiệu quả, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về khó khăn của doanh nghiệp và mang lại niềm tin cho các cổ đông.
IR bao hàm cả các hoạt động PR, nhưng hoạt động PR chủ yếu liên quan đến việc truyền thông thương hiệu doanh nghiệp đến các cổ đông, đặc biệt là khi xảy ra khủng hoảng thương hiệu, vì ảnh hưởng gián tiếp đến lợi ích của cổ đông.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp quan niệm, trong khi đang phòng thủ, “ngủ đông” vì hoạt động khó khăn thì không nên triển khai IR. Ý kiến của ông như thế nào về quan điểm này?
Trong giai đoạn khó khăn thì nhà đầu tư dễ mất niềm tin đối với doanh nghiệp nhất, từ đó ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến giá cổ phiếu. Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp niêm yết cần tăng cường hoạt động IR trong những thời điểm khó khăn hoặc xảy ra khủng hoảng, thay vì né tránh hoặc giảm hoạt động tiếp xúc với cổ đông. Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất để giữ chặt các nhà đầu tư trung thành và nhà đầu tư dài hạn.
Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp để hoạt động IR hiệu quả hơn, đặc biệt trong mùa đại hội cổ đông hàng năm?
Trong các kỳ đại hội cổ đông hay các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên chú ý đến các điểm nhấn của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, giải trình cụ thể các vấn đề mà cổ đông quan tâm, đặc biệt nên sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà nhà đầu tư đặt ra tại cuộc họp. Đồng thời, trong các tài liệu đại hội, doanh nghiệp nên chuẩn bị thêm bản tiếng Anh để dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng hạng thị trường, như nhiều lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề cập. Ngoài ra, doanh nghiệp nên hướng đến tổ chức thêm hoạt động đại hội cổ đông qua hình thức online, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cổ đông không thể tham gia trực tiếp.
Trong các kỳ đại hội cổ đông, doanh nghiệp nên đưa các ý kiến của các thành viên hội đồng quản trị độc lập để có cái nhìn đánh giá khách quan về hoạt động của doanh nghiệp và tăng niềm tin của nhà đầu tư.