Trong số 19 tỉnh, TP đã tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 thì Hải Dương có số lượng người được tiêm nhiều nhất với 17.248 người; tiếp sau đó là Hà Nội với 6.926 người; Bắc Giang: 2.941 và Hưng Yên là 2.665 người...Các tỉnh còn lại lượng vắc-xin dao động được tiêm từ vài chục người tới hơn 1.000 người.
Về phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZenneca, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, có khoảng 30% người được tiêm vắc-xin Covid-19 gặp phản ứng. Tuy hiên, các trường hợp này đều đã được xử lý rất tốt.
"Do nhóm được tiêm trong đợt một là các bác sĩ, nhân viên y tế, phản ứng sau tiêm được phát hiện rất kịp thời. Hiện sức khỏe các trường hợp này đều ổn định", bà Hồng thông tin.
Về lộ trình cung ứng vắc-xin Covid-19, theo lãnh đạo Bộ Y tế, do chậm trễ trong sản xuất vắc-xin Covid-19 được phân phối thông qua COVAX nên việc giao hàng dự kiến đến tất cả các quốc gia bị chậm lại. Số lượng phân phối vắc-xin đợt đầu cũng giảm so với trước.
Tại Việt Nam, theo dự kiến hôm nay 25/3, COVAX sẽ cung cấp 1,37 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, song theo kế hoạch điều chỉnh mới, Việt Nam chỉ nhận được 811.200 liều. Số lô vắc-xin này sẽ về trong 3 tuần tới. Dù vậy, COVAX vẫn cam kết cung cấp đủ cho Việt Nam 4,176 triệu liều trong các đợt từ nay đến cuối tháng 5.
Theo Bộ Y tế, số lượng đợt đầu này ít hơn so với công bố trước đó do COVAX tính toán lại, dựa trên tỉ lệ phân phối công bằng lượng vắc-xin hiện có đến tất cả 92 quốc gia thành viên.
Ngoài ra, hiện nay các hãng dược mới đang ở giai đoạn đầu sản xuất vắc-xin nên cần thời gian để mở rộng quy mô, tối ưu hoá quy trình sản xuất.
Theo dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên, kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.