Về quy mô tổng tài sản, năm nay, BIDV vẫn là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với 2,12 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một ngân hàng Việt Nam có quy mô tài sản vượt mức 2 triệu tỷ đồng. VietinBank và Vietcombank đứng vị trí tiếp theo với tổng tài sản cùng ở mức hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Như vậy, top 3 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống không có gì thay đổi. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Vietcombank những năm qua, rất có thể vị trí của top 3 này sẽ có xáo trộn những năm tới. Năm 2022, tổng tài sản của Vietcombank tăng 28,5%, tổng tài sản của BIDV tăng hơn 20% trong khi tổng tài sản của VietinBank chỉ tăng 18,1%.
Top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. |
Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, top 4 ngân hàng dẫn đầu về quy mô tổng tài sản bám đuổi nhau khá quyết liệt. Trong đó, MB đang dẫn đầu các ngân hàng tư nhân về tổng tài sản (728 nghìn tỷ đồng), tiếp theo là Techcombank với 699 nghìn tỷ đồng. Hai ngân hàng có tổng tài sản trên 600 nghìn tỷ đồng là VPBank (631 nghìn tỷ đồng) và ACB (608 nghìn tỷ đồng). Trong top 10 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất, 3 ngân hàng còn lại lần lượt là SHB, HDBank và VIB.
Tuy vậy, chỉ số đo sự “giàu có” và tiềm lực vốn của các ngân hàng lại nằm ở tổng tài sản và vốn điều lệ.
Về vốn chủ sở hữu, tính đến cuối năm 2022, có 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất với 135.789 tỷ đồng, tiếp theo là Techcombank với 113.424 tỷ đồng, VietinBank với 108.304 tỷ đồng, BIDV 104.205 tỷ đồng, VPBank (103.516 tỷ đồng).
Với một ngân hàng thương mại, vốn chủ sở hữu là tấm đệm chống đỡ rủi ro, vốn chủ sở hữu càng cao thì sức chống chịu của ngân hàng càng lớn, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn khủng hoảng. Vốn chủ sở hữu lớn sẽ giúp ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa danh mục cho vay.
Top 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. |
Về vốn điều lệ, năm 2022, VPBank vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống sau khi thực hiện phương án tăng vốn được ĐHĐCĐ tăng qua.
Các ngân hàng có vốn điều lệ cao tiếp theo lần lượt là BIDV 50.585 tỷ đồng, VietinBank 48.057 tỷ đồng, Vietcombank 47.325 tỷ đồng, MB 45.339 tỷ đồng, Techcombank, SHB (vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng) và ACB, HDBank, VIB (vốn điều lệ trên 20.000 tỷ đồng)…
Thứ hạng vốn điều lệ của các ngân hàng dự báo sẽ được xáo trộn liên tục khi các kế hoạch tăng vốn lớn vẫn đang trong quá trình chờ được phê duyệt hoặc chờ được thực hiện.
Mới đây, ĐHĐCĐ bất thường Vietcombank thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng. Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024.