Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 16,43 điểm (+1,32%), lên 1.263,78 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 126.155,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,6% so với tuần trước, khối lượng giao dịch trung bình hơn 900 triệu cổ phiếu/phiên.
Chỉ số HNX-Index tăng 3,22 điểm (+1,36%), lên 239,54 điểm.
Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Ngày 14/3 đã diễn ra Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sau hơn 4 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại. Tổng cộng 4 phiên, tính từ 11/3 đến 14/3, NHNN đã hút ròng gần 60.000 tỷ đồng.
Việc NHNN mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.
Ở bên ngoài, dữ liệu quan trọng nhất là chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tháng 2 tăng 0,4% so với tháng 1/2024 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 2 của nước này tăng 0,6% trong tháng 2 và chỉ số lõi tăng 0,3%.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu tăng tốt và thu hút nhà đầu tư nhất là các mã thuộc nhóm khu công nghiệp với GVR (+19,31%), DPR (+19,06%), SIP (+11,34%), VGC (+10,52%), SNZ (+9,94%), PHR (+9,1%) …
Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản cũng có tuần giao dịch tích cực với các mã tiêu biểu như VRC (+16%), NHA (+12,95%), NTL (+9,1%), HDC (+8,99%), CSC (+8,39%) ....
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán sau hai tuần tăng mạnh đã phân hóa, nhưng một số vẫn giữ được mức tăng vượt trội như VCI (+12,23%), VDS (+10,58%), FTS (+7,93%), VIX (+6,94%) ...
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng đa số giảm điểm, với PGB (-3,45%), LPB (-3,22%), NAB (-2,66%), SHB (-2,56%)...
Trên sàn HOSE, hai cổ phiếu thuộc ngành logistics, vận tải như TCO, GIL giao dịch tích cực, phản ánh dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở nhóm này trong những phiên cuối tuần.
Ngoài ra còn là sự xuất hiện của các cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp, với bluechip GVR góp mặt khi cả 5 phiên giao dịch đều tăng, trong đó, có phiên tăng kịch trần ngày 12/3và xác lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm tại 34.600 đồng.
Tuần qua, sàn HOSE còn chào đón tân binh VTP của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) với hơn 121,7 triệu cổ phiếu niêm yết trong phiên đầu tiên ngày 13/3, với giá tham chiếu 65.400 đồng và đã liên tiếp tăng kịch trần trong hai phiên, trước khi nhích thêm 5% trong phiên cuối tuần, đưa giá cổ phiếu lên 94.100 đồng, tương đương tăng gần 44%, mức tăng cao nhất sàn.
Năm 2023, VTP đạt doanh thu 19.732 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh đã giúp lợi nhuận gộp tăng và lợi nhuận sau thuế hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022. Năm 2024, VTP đặt mục tiêu doanh thu 13.847 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư có thêm một tuần tiếp giảm cung giá thấp và các cổ phiếu giảm sâu nhất phần lớn đều chỉ mất điểm nhẹ trên dưới 5%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu MCO có tuần thứ ba liên tiếp lọt vào nhóm các mã tăng mạnh nhất sàn, sau khi hai tuần trước đó tăng 13% và 26%.
Thanh khoản tuần này trồi sụt và áp lực rung lắc cũng đã xuất hiện khi có có phiên giảm sàn ngày 13/3.
Trên UpCoM, cổ phiếu ICF nằm trong số những mã đáng kể nhất khi có giao dịch tương đối tốt trong các phiên. Giá cổ phiếu cũng có tuần thứ hai liên tiếp lọt top cao nhất, sau khi tuần trước đó là quán quân tăng giá trên thị trường với mức tăng hơn 80%.
Mặc dù vậy, tuần qua cổ phiếu này cũng đã chấm dứt chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp bằng một phiên giảm sàn ngày 14/3 và giằng co, rung lắc trong phiên 15/3.