Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm thủy sản nổi sóng

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm thủy sản nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường giao dịch ảm đạm với thanh khoản xuống thấp, nhiều nhóm ngành bị bán khá mạnh như bất động sản, bán lẻ, công ty chứng khoán, nhưng vẫn có những con sóng nhỏ xuất hiện giúp thị trường bớt đi phần nào nhàm chán và tuần này là một số mã thủy sản đã bơi ngược dòng xu hướng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,85 điểm (-2,03%), xuống 1.055,30 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 26,3% so với tuần trước xuống 49.133 tỷ đồng, khối lượng giảm 29% xuống 2.587 triệu cổ phiếu.

HNX-Index giảm 6,78 điểm (-3,15%), xuống 208,50 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,4% so với tuần trước xuống 4.260 tỷ đồng, khối giảm 39,7% xuống 282 triệu cổ phiếu.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu bán lẻ, du lịch và giải trí là những nhóm giảm mạnh nhất, với những cái tên như MWG (-11,9%), DGW (-3,87%), VJC (-6,51%) và HVN (-2,42%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu bất động sản và công ty chứng khoán. Trong đó, các cổ phiếu nhà Vingroup với VIC (-3,57%), VHM (-5,61%), VRE (-3,42%), và DXG (-13,4%), PDR (-12%), DRH (-11%), HPX (-9,7%), DIG (-9,3%)... Trong khi nhóm ngành chứng khoán với SSI (-3,8%), VND (-7,28%), FTS (-6,6%), BSI (-4,8%), VCI (-2,21%), SHS (-5,56%), MBS (-4,96%)

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường với PVS (+0,85%), BSR (+1,86%), PVD (+5,18%), PLX (+2,86%), PSH (+9,6%), PVC (+2,21%)...

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất dễ dàng nhận thấy là các cổ phiếu thủy sản với những cái tên tuần này góp mặt như ANV, CMX, ACL.

Nhóm cổ phiếu thủy sản tăng mạnh có khả năng đến từ kỳ vọng đón nhận đơn hàng lớn từ các thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là chất xúc tác cho ngành thủy sản. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động, SSI Research tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng đổi lại, thị trường tỷ dân thường có giá bán bình quân luôn thấp hơn khoảng 40% so với Mỹ, nên không đủ mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm. Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm kết hợp chi phí tài chính tăng có thể khiến các công ty công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm cả năm.

Ở chiều ngược lại, đáng chú ý có bluechip MWG. Giá cổ phiếu liên liên tục hình thành những cây nến đỏ với khối lượng giao dịch thấp, cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Chỉ báo MACD đã cho tín hiệu bán và chuẩn bị cắt xuống dưới ngưỡng 0 nên rủi ro trong ngắn hạn sẽ còn tiếp diễn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ cũng bị bán mạnh trong tuần này với những cái tên DXG, PDR, DRH, CRE, HPX…

Trên sàn HNX, phần lớn những cái tên tăng, giảm mạnh nhất đều giao dịch ảm đạm với thanh khoản tốt trong các phiên giao dịch.

Trên UpCoM, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đang thu hút sự chú ý cao của thị trường, với 8 phiên gần nhất đều tăng kịch trần. Tuy nhiên, kịch bản giống nhau là đều chỉ có 100 đơn vị được khớp lệnh trong phiên.

Giá cổ phiếu tăng từ 240.000 đồng lên 893.400 đồng, thị giá cổ phiếu cao nhất toàn thị trường chứng khoán. Bỏ xa hai vị trí tiếp theo là cổ phiếu VCF với thị giá 237.000 đồng trên sàn HOSE và HLB với 236.900 đồng trên UpCoM.

Vốn hóa của Công ty VNZ theo đó tăng lên hơn 32.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần thời điểm giao dịch đầu tiên trên UpCoM.

Trong công văn giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ban lãnh đạo của VNZ cho biết, giá cổ phiếu VNZ hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường và Công ty không có bất kỳ sự can thiệp nào vào giá cổ phiếu.

Tin bài liên quan