Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 31,73 điểm (-2,48%) xuống 1.248,78 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 7,29 điểm (-2,5%) xuống 284,63 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh so với tuần trước đó, nhưng lưu ý tuần trước thị trường chỉ giao dịch trong ba phiên.
Theo đó, giá trị giao dịch trên HOSE tuần này tăng 62,4% lên 76.408 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 67,5% lên 2.982 triệu cổ phiếu.
Còn giá trị giao dịch trên HNX tăng 34,2% lên 7.968 tỷ đồng tương ứng, khối lượng tăng 47,8% lên 396 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm mạnh nhất, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng, với các mã VCB (-6,2%), BID (-7,5%), CTG (-5%), VPB (-4,1%), TCB (-3,3%), ACB (-2,6%), SHB (-8,3%), VIB (-5,6%), STB (-4,2%), HDB (-3,4%), LPB (-6,96%), MSB (-3,4%), ACB (-2,6%) …
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí do giá dầu thế giới có sự sụt giảm mạnh với BSR (-4,7%), OIL (-5,8%), PLX (-4,7%), PVD (-1%), PVS (-3,6%), PVB (-9,8%), CNG (-3,8%), PSH (-3,2%), ...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép là điểm sáng hiếm hoi với các cổ phiếu như HPG, HSG, TLH, tăng 3% đến gần 4%, SMC tăng hơn 2,3% còn NKG tăng tốt nhất khi +8,5%.
Trên sàn HOSE, phản ánh dòng tiền thận trọng và áp lực bán cao, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất sàn không thể bay cao như những tuần trước đó, khi có đến 6 cổ phiếu tăng chưa đến 10% cũng đã lọt vào top.
Hai cổ phiếu tăng đáng kể là VNS và TLG. Trong đó, VNS có thông tin tích cực từ việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 05/9 và trong hai phiên liên tiếp, cổ phiếu này đã đều tăng kịch trần, thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể so với thời gian trước, dù chỉ khớp trên dưới 0,25 triệu đơn vị/phiên.
Ở chiều ngược lại, KPF bị bán chốt lời ồ ạt sau khoảng thời gian tăng nóng trước đó. Cổ phiếu KPF liên tục ghi nhận 5 phiên giảm sàn liên tiếp từ 31/8 đến 08/9, trong đó, 4 phiên gần nhất bị mất thanh khoản khi lực cung ồ ạt, trong khi lực cầu hấp thụ không đáng kể. Cổ phiếu này chỉ được giải cứu trong phiên cuối tuần với mức tăng 5,7%, khớp hơn 0,35 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ITA cũng bị bán tháo và ghi nhận 9 phiên liên tiếp giảm, sau những lùm xùm liên quan đến khoản mục tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT và bị cắt margin do vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trong năm 2022.
Mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM thực hiện công tác rà soát thuế đối với ITA. Trong ngày 8/9, thêm thông tin không mấy tích cực khác với ITA là việc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam từ chối kiểm toán đối với Báo cáo tài chính nửa đầu năm.
Các cổ phiếu khác có câu chuyện riêng như HVN, về việc HOSE lưu ý khả năng hủy niêm yết, hay như cổ phiếu HAI bị chuyển sang diện đình chỉ giao dịch.
Trong khi CKG bị bán chốt lời, sau khi đã có hai tuần liên tiếp lọt vào top những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn, lần lượt +9,55% và +13,62%.
Trên sàn HNX, một số cổ phiếu đáng chú ý như NSH, TKC, VGS rất đáng chú ý khi tăng mạnh và giao dịch khá sôi động, dù gần như không có nhiều thông tin mới đáng chú ý.
Trên UpCoM, đà tăng của cổ phiếu CFV của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi vẫn chưa dừng lại.
Tổng cộng, cổ phiếu này đã có chuỗi 18 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức giá trần từ ngày 15/8 đến 09/9, giá cổ phiếu theo đó tăng từ 4.300 đồng lên 45.500 đồng, tương ứng hơn 950%.
Dù vậy, khối lượng giao dịch của mã này rất thấp, với chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên.
Mới đây, CFV đã có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần từ 23/8 đến 29/8. Theo đó, CFV cho biết, không có thông tin có lợi liên quan đến biến động giá cổ phiếu của công ty, nên không có căn cứ để giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu tăng trần.