Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 14,75 điểm (-1,18%), xuống 1.234,03 điểm. Khối lượng giao dịch tại sàn HOSE giảm 19,4% và giá trị giao dịch giảm 15,4%.
Chỉ số HNX-Index giảm 11,75 điểm (-4,13%), xuống 272,88 điểm. Khối lượng giao dịch giảm 15,1% và giá trị giao dịch giảm 7,8%.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 75.057 tỷ đồng, tương ứng hơn 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với tuần trước.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng đều lùi bước với TCB (-4,4%), BID (-4,1%), CTG (-2,4%), VPB (-4,1%), MBB (-4%), STB (-5,5%), ACB (-3,5%), SHB (-4,2%), HDB (-3,1%), MSB (-3,5%), LPB (-3,4%), chỉ có VCB (+1,5%), VPB nhích nhẹ và EIB ngược dòng ấn tượng khi tăng hơn 11%.
Nhóm thép giảm khá mạnh với các cổ phiếu như HPG (-3,36%), HSG (-4,18%), NKG (-3,48%), SMC (-2,1%), POM (-3,8%), … Trong đó, HPG và HSG trong kỳ review ETF phiên cuối tuần đã bị bán ra lần lượt 7,8 và 5,6 triệu cổ phiếu.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí, do giá dầu thế giới tuần qua vẫn tiếp tục sụt giảm, với các mã BSR (-2,7%), OIL (-1,9%), PLX (-2,6%), PSH (-5,4%) …
Trên sàn HOSE, cổ phiếu BMC tuần này có hiệu suất tốt nhất, với hai phiên đầu tuần và cuối tuần đều đóng cửa ở mức giá trần, thanh khoản tương đối trồi sụt, khi phiên cao nhất khớp hơn 210.000 đơn vị khớp lệnh, và phiên thấp nhất chỉ có 45.000 đơn vị.
Cổ phiếu CMG có tuần thứ hai liên tiếp tăng tốt, sau khi tuần trước +9,15%, sau ngày 13/9 đã chốt danh danh sách cổ đông nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tổng cộng 37,62%.
Tương tự là cổ phiếu VNS, khi có thêm một tuần tăng mạnh, sau khi tuần trước là cổ phiếu tích cực nhất sàn HOSE với mức tăng 16,1%.
Cổ phiếu VCG tăng tốt khi xuất hiện điểm giao cắt vàng (golden cross) giữa SMA 50 ngày và SMA 100 ngày cho thấy triển vọng tích cực.
Một cổ phiếu khác đáng chú ý là EIB, khi ngược dòng nhóm ngân hàng, khi xuất hiện thông tin mới về việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng. Đồng thời, Đại diện của cổ đông SMBC không còn là thành viên HĐQT của EIB.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu AMD giảm sâu, sau khi nhận quyết định từ HOSE về việc bị chuyển sang diện cảnh báo kể từ ngày 21/9.
Cổ phiếu KPF thêm một tuần bị bán tháo, kể cả khi được giải cứu với phiên tăng kịch trần ngày 15/9. Tuần trước, KPF là cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn với mức giảm -20,19%.
Cổ phiếu DIG đi xuống, thị giá đã cắt xuống dưới MA 50 ngày, cho thấy triển vọng trong ngắn hạn là khá tiêu cực. Mới đây, DIG đã tổ chức bất thành Đại hội cổ đông bất thường 2022 vào ngày 14/9 do số cổ đông dự họp không đủ trên 50% tổng số cổ phiếu biểu quyết.
Trên sàn HNX, nhóm hai cổ phiếu liên quan đến FLC là KLF và ART bị tháo mạnh. Trong đó, ART tuần trước thậm chí còn góp mặt trong số những mã giảm sâu nhất sàn với mức giảm 15,91%.
Trên UpCoM, đà tăng của cổ phiếu CFV - Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi chưa dừng lại.
Tổng cộng, cổ phiếu này đã có 23 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức giá trần từ ngày 15/8 đến 16/9. Dù vậy, cũng trong suốt thời gian này, thanh khoản chỉ dừng lại ở mức vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên.
Mới đây, ngày 13/9, CFV đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội (HNX) về việc cổ phiếu tăng trần liên tục.
Theo CFV, việc cổ phiếu của Công ty liên tục tăng trần và khối lượng giao dịch thấp là rất bất thường (tất cả các phiên đều chỉ có 1 lệnh đặt mua và bán giá trần) và Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường để tác động đến giá cổ phiếu.
Để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin, tăng cường công tác quản lý, CFV đề nghị SSC và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân đã thực hiện các giao dịch trên dẫn tới giá cổ phiếu CFV biến động tăng trần bất thường.