Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các nhóm ngành lớn có tín hiệu khởi sắc

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các nhóm ngành lớn có tín hiệu khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trong tuần hồi phục mạnh và trở lại với ngưỡng MA20 quanh 1.270 điểm, thanh khoản cũng gia tăng, nhưng tín hiệu chưa đủ thuyết phục do bị nhiễu trong phiên cuối tuần. Mặc dù vậy, với động thái nới lỏng của Fed đã thúc đẩy kỳ vọng cao vào các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản có tuần tăng điểm khá tích cực.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 20,33 điểm (+1,62%) lên 1.272,04 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,88 điểm (+0,81%), lên 234,3 điểm.

Thanh khoản trên cả hai sàn tuần này cải thiện hơn so với tuần trước đó, khi khối lượng khớp lệnh tăng hơn 26,3% trên sàn HOSE và gần 12% trên sàn HNX, với đóng góp khá lớn trong phiên cuối tuần, do hoạt động cơ cấu danh mục của một số quỹ ETF.

Với động thái cắt giảm lãi suất của Fed đã thúc đẩy kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt, dòng tiền ngoại quay trở lại và qua đó, giúp thanh khoản thị trường tăng, thì nhóm ngành tích cực nhất là các mã công ty chứng khoán với SSI (+4,02%), HCM (+4,97%), FTS (+1,82%), VND (+4,9%), MBS (+4%), VCI (+3,29%), SHS (+3,38%) ...

Nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất là ngân hàng cũng có tuần tăng điểm, đồng thuận cao như VCB (+0,78%), BID (+1,76%), TCB (+6,08%), CTG (+3,15%), ACB (+5,12%), MBB (+3,56%), VPB (+2,71%) ...

Tương tự là nhóm cổ phiếu bất động sản, với CEO (+2,61%), PDR (+3,26%), DIG (+3,41%), HDG (+2,25%), VHM (+1,74%) ...

Trên sàn HOSE, các cổ phiếu nhỏ dẫn đầu đà tăng, trong đó, cổ phiếu AGM có tuần thứ hai liên tiếp là mã tăng cao nhất sàn, ghi nhận 8 phiên tăng trần liên tiếp từ 10/9 đến 19/9, trước khi bị bán chốt lời và giảm sàn trong phiên thứ Sáu 20/9 về 4.500 đồng. Tuần trước, cổ phiếu này tăng hơn 31%.

Các cổ phiếu khác như ABR, SVD, NCT, TTE đều chỉ có thanh khoản thấp. Trong khi phần còn lại đáng kể khác có cổ phiếu đầu ngành nhựa BMP, khi giá cổ phiếu đã vượt đỉnh cũ và thiết lập mức cao kỷ lục mới tại hơn 122.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu SSB cũng rất đáng chú ý, sau khi vào top giảm sâu nhất sàn cuối tuần trước đó, thì đã được mua bắt đáy mạnh trong tuần này với phiên tăng chạm giá trần ngày 19/9.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ITA giảm mạnh sau khi có công văn của HOSE về việc thực hiện đưa cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch và quyết định chính thức được đưa ra vào ngày 19/9.

Theo đó, cổ phiếu ITA bị chuyển từ diện diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/9/2024. Nguyên nhân do, ITA tiếp tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trước đó.

Trên sàn HNX, dòng tiền ngắn hạn chảy mạnh vào các cổ phiếu nhỏ, thị giá thấp và kéo hàng loạt những cái tên như MCO, HMR, SPI có những phiên tăng kịch trần liên tiếp.

Trong đó, SPI trong 12 phiên gần nhất thì có tới 11 phiên đóng cửa trong sắc tím, thanh khoản trồi sụt, khi có phiên khớp được hơn 1 triệu đơn vị, nhưng có phiên chỉ có vài chục nghìn cổ phiếu được sang tay.

Trái lại, cổ phiếu GKM giảm mạnh nhất sàn với thông tin lấy ý kiến trái chủ về việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 02 năm đến 20/9/2026.

Trên UpCoM, các mã biến động mạnh nhất tuần này không có diễn biến đáng kể nào khi giao dịch thưa thớt, thanh khoản thấp.

Trong tuần, UpCoM chào đón hai cổ phiếu HNG và HBC có tuần giao dịch đầu tiên sau khi nhận quyết định hủy niêm yết trên HOSE.

Theo đó, cổ phiếu HBC có phiên đầu tiên giao dịch vào 18/9 với giá tham chiếu 5.700 đồng đã liên tiếp giảm trong cả ba phiên, kết tuần này tại 5.300 đồng, tương đương -7%.

Trong khi đó, cổ phiếu HNG cũng có phiên đầu tiên giao dịch cùng ngày 18/9 với giá 4.600 đồng và tăng 4,4%, nhưng đã giảm trong hai phiên còn lại, kết tuần tại 4.500 đồng. Khớp lệnh luôn nằm trong top cao nhất UpCoM, trong đó, phiên cao nhất khớp gần 15 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan