Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững: Thành tích đáng khen và những điểm cần cải thiện

Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững: Thành tích đáng khen và những điểm cần cải thiện

(ĐTCK) Ông Tô Vĩ Hùng - hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Trưởng Phòng Kế toán Rosneft Việt Nam, thành viên Nhóm đánh giá chuyên môn về Báo cáo Phát triển bền vững đã lược ghi những nhận định của Nhóm đối với Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững năm nay về những mặt nổi trội, cũng như những điểm mà doanh nghiệp cần cải thiện để có báo cáo tốt hơn trong các kỳ báo  cáo sau.

Nhìn chung, chất lượng báo cáo mùa giải năm nay tốt hơn năm ngoái. Mặc dù số lượng báo cáo riêng ít hơn năm trước, nhưng chất lượng của các báo cáo tích hợp được nâng cao. Số lượng báo cáo tích hợp lọt vào Top 10 đã tăng từ 3 lên 5.

Hầu hết các báo cáo trong Top 10 đều thể hiện các nội dung theo quy định của Thông tư 155/2015/TT-BTC, đầy đủ các tiêu chí môi trường, xã hội, quản trị và áp dụng hoặc tham khảo hướng dẫn GRI phiên bản G4 (riêng BVH đã tiên phong áp dụng GRI Standards) nên có cấu trúc rõ ràng, chặt chẽ và thể hiện tương đối đầy đủ các phương diện của báo cáo phát triển bền vững.

Ông Tô Vĩ Hùng 

Đa số các báo cáo trong Top 10 đã thể hiện được sự cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất, đánh giá ảnh hưởng môi trường, xã hội, tính trọng yếu, xác định các bên liên quan, tham vấn từ các bên có liên quan và miêu tả hệ thống quản trị rủi ro tương đối bài bản.

Một số báo cáo đã có những nâng cấp đáng ghi nhận trong việc lồng ghép 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Chương trình hành động quốc gia vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp; thành lập các tiểu ban chuyên trách phát triển bền vững trong Hội đồng quản trị, bao gồm các tiêu chí phát triển bền vững trong đánh giá dự án, nhà cung cấp, nâng cao vai trò của kiểm toán nội bộ trong phát triển bền vững hoặc sử dụng kiểm tra của bên thứ ba…

Những cải thiện đó đã giúp nâng cao tính đầy đủ và tin cậy của các báo cáo phát triển bền vững lọt vào Top 10. Hy vọng, các báo cáo khác có thể học hỏi và nhân rộng ra trong các kỳ báo cáo sau.

Tuy nhiên, một số điểm còn hạn chế là chưa có sự gắn kết một cách thuyết phục chiến lược phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh, chưa có các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về phát triển bền vững, hoặc không mang tính chiến lược dài hạn và thường thiếu sự phân tích, nêu lên ý nghĩa và tác động của kết quả thực hiện, cũng không có công ty nào có cơ chế khen thưởng liên quan đến phát triển bền vững. Những vấn đề này nếu được khắc phục sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp, tạo điều kiện sẵn sàng cho việc hội nhập vào thị trường khu vực cũng như thế giới.    

VNM: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đã xuất sắc trong việc cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng quan về những vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, trên cả hai phuơng diện thách thức và cơ hội một cách rõ ràng, đáng tin cậy.

Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững: Thành tích đáng khen và những điểm cần cải thiện ảnh 2

Báo cáo đã chuyển tải cho người đọc một thông điệp rõ ràng, phát triển bền vững là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của Công ty. Đặc biệt, Công ty đã tiến hành rà soát, đánh giá sự liên quan giữa 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và chiến lược hành động cụ thể cua mình trong các lĩnh vực trọng yếu: con người, sản phẩm và thiên nhiên, tạo nền móng vững chắc để xây dựng chiến lược và hoạch định bền vững. Đây là một báo cáo phát triển bền vững xuất sắc toàn diện.

Về mặt cấu trúc, báo cáo được lập theo chuẩn GRI phiên bản G4 và công bố bổ sung cho ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, nên có đầy đủ các phương diện phát triển bền vững và phù hợp với loại hình kinh doanh của VNM.

Cũng như các năm qua, VNM đã tạo được mức độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho báo cáo từ hệ thống quản lý bài bản, giàu kinh nghiệm dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất quốc tế như OHSAS 18001 (8/13 nhà máy, dự tính đạt 13/13 năm 2017), hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm FSSC 22000, Global G.A.P, ISO 9001,ISO 17025, chứng nhận FDA của Mỹ (5/13 nhà máy), chứng sản xuất sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn Organic EU (1 nhà máy). Ngoài ra, mức độ tin cậy của báo cáo năm nay càng được nâng cao do được đảm bảo bởi PwC Việt Nam.

Các chỉ tiêu của báo cáo thể hiện đầy đủ và có giải thích rõ ràng đối với các phương diện phát triển bền vững quan trọng của một doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ, chỉ tiêu thực hiện và phấn đấu giảm khí thải, hay phân tích về việc lượng rác thải nguy hại tăng là do thay thế các bình điện và nhớt máy theo chu kỳ đại tu của hệ thống xe tự hành ở Nhà máy Sữa Việt Nam.

Ngoài ra, các chỉ tiêu của báo cáo cũng rất có ý nghĩa thực tế, ví dụ tiêu thụ năng lượng không chỉ báo cáo tổng thể mà còn được phân tích theo bình quân/tấn sản phẩm (MJ/tấn) và cho thấy xu hướng giảm trong năm 2016 trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chỉ tiêu này trong hoạt động chăn nuôi lại tăng, nhưng báo cáo chưa giải thích. Sẽ là hoàn chỉnh hơn nếu báo cáo đi sâu vào phân tích sự biến động của các chỉ tiêu gắn với tình hình hoạt động của Công ty và có các mục tiêu phấn đấu cụ thể trong tương lai.

Về hình thức, báo cáo tiếp tục có các gam màu tươi sáng, phù hợp với chủ đề xuyên suốt “Sản xuất sạch, chăn nuôi xanh”. Việc tận dụng tối đa và hợp lý bảng biểu, biểu đồ và hình ảnh minh họa cũng làm cho báo cáo của VNM phong phú, nhưng rõ ràng, súc tích. 

DHG: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) là một trong số ít công ty duy trì được báo cáo phát triển bền vững tốt qua các năm. Năm 2016, DHG đã đưa ra một báo cáo phát triển bền vững với bố cục chặt chẽ, trình bày xuyên suốt từ các vấn đề chiến lược đến các kế hoạch và kết quả phát triển bền vững. Báo cáo đã nêu bật được định hướng xuyên suốt về phát triển bền vững của Công ty trên tất cả các lĩnh vực.

Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững: Thành tích đáng khen và những điểm cần cải thiện ảnh 3

DHG cũng là một trong số ít các công ty đã liên kết các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc với các hoạt động kinh doanh của mình. Công ty đã làm rất tốt việc tham vấn các bên liên quan, xác định mức độ quan trọng của các bên liên quan cũng như thực hiện đánh giá trọng yếu. Các kết quả tham vấn với các bên liên quan và các phản hồi của DHG đối với ý kiến của các bên liên quan được trình bày một cách rõ ràng và hệ thống.

Trong khi nhiều doanh nghiệp sử dụng tiêu chuẩn GRI phiên bản G4 và công bố “phù hợp cốt lõi” thì DHG lại khiêm tốn lựa chọn phương án tham khảo đến G4. Đây là một điểm khá đáng tiếc đối với DHG, khi mà về cơ bản, báo cáo của Công ty được thực hiện theo G4, ngoại trừ việc một số lĩnh vực trọng yếu không có các chỉ số để đo lường. Nếu như trong mùa báo cáo năm sau, DHG lựa chọn “phù hợp cốt lõi” theo tiêu chuẩn GRI và cung cấp thêm số liệu đối với các lĩnh vực trọng yếu được lựa chọn, thì đây sẽ là một báo cáo rất hoàn thiện.  

FPT: Công ty cổ phần FPT là một trong những nhân tố mới về báo cáo phát triển bền vững trong 2 năm trở lại đây. Năm nay, mặc dù không đưa ra một báo cáo phát triển bền vững riêng biệt như một số công ty khác, nhưng các nội dung về phát triển bền vững của FPT cũng không vì thế mà kém tính đầy đủ. Nói không quá thì trong các năm sau, FPT hoàn toàn có thể cân nhắc việc lập một báo cáo phát triển bền vững riêng biệt mà không phải mất thêm nhiều công sức.

Báo cáo phát triển bền vững của FPT cho năm 2016 trình bày rất rõ ràng và mạch lạc phương pháp luận được sử dụng để lập báo cáo và đều theo thông lệ tốt nhất được giới thiệu bởi GRI. Một điểm đáng lưu ý khác là phương pháp quản trị để đảm bảo độ tin cậy và nội dung của báo cáo phát triển bền vững được FPT trình bày rất chi tiết. Đây là cách thức làm gia tăng độ tin cậy của báo cáo phát triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp khác có thể cân nhắc học hỏi.

Một điều đáng tiếc của FPT là không hoàn toàn áp dụng các hướng dẫn của GRI phiên bản G4, đặc biệt là trong việc đặt tên cho các lĩnh vực trọng yếu của Công ty. Các lĩnh vực trọng yếu của FPT khá khác biệt so với các hướng dẫn của GRI và các lĩnh vực trọng yếu riêng biệt của ngành cũng không được nêu rõ rệt. Trong các năm tới, FPT có thể cân nhắc việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực của GRI trong việc lập báo cáo phát triển bền vững. 

BMP: Trong số nhiều tên tuổi quen thuộc xuất hiện trong Top 10 năm nay thì Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) là một cái tên còn khá mới. Tương tự như FPT, mặc dù không soạn lập một báo cáo phát triển bền vững riêng biệt, nhưng BMP đã đưa khá đầy đủ các thông tin về báo cáo phát triển bền vững.

Năm nay, BMP sử dụng phương pháp luận được hướng dẫn tại G4 của GRI để lập báo cáo phát triển bền vững, tuy nhiên doanh nghiệp không công bố phù hợp cốt lõi theo G4. Điều này có lẽ là do có những lĩnh vực trọng yếu mà BMP không sử dụng chỉ số để đo lường. Ngoài ra, việc xác định các vấn đề trọng yếu của BMP chưa thực sự phù hợp. Nếu cải tiến được các điểm này thì Công ty có thể cải thiện vị trí báo cáo của mình tốt hơn vào các năm sau. 

BVH: Liên tục được giải qua các năm, báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã trở thành một trong những báo cáo phát triển bền vững mẫu mực của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với truyền thống “đột phá”, năm nay, báo cáo phát triển bền vững của BVH là báo cáo đầu tiên áp dụng Bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững (GRI Sustainability Reporting Standards 2016, ban hành tháng 10/2016 và chưa bắt buộc áp dụng cho tới tháng 7/2018) .

Tuy nhiên, có thể việc áp dụng sớm này là nguyên nhân chủ yếu làm cho độ dày của báo cáo BVH tăng lên gấp đôi so với năm 2015 (từ 142 lên 284 trang) và so với báo cáo phát triển bền vững dài thứ hai năm nay (VNM, 141 trang). Đây cũng chính là nhược điểm lớn nhất của BVH năm nay.

Top 10 Báo cáo Phát triển bền vững: Thành tích đáng khen và những điểm cần cải thiện ảnh 4

Nhìn chung, báo cáo tuy dài, nhưng cấu trúc tổng thể vẫn khá rõ ràng, có hệ thống, với tham chiếu cụ thể đến tiêu chuẩn GRI ở phần kết và từng phần nội dung, đảm bảo tính tuân thủ cao. Cũng như các năm trước, mỗi một đầu mục của báo cáo đều có phần tóm lược, nhấn mạnh ý chính của phân đoạn.

Tuy vậy, báo cáo vẫn còn có một số phần có nội dung mang tính lý thuyết hoặc quá chi tiết (ví dụ, các chế độ đãi ngộ đối với thành viên Hội đồng quản trị, quyền tham gia công đoàn và thương lượng tập thể…). Báo cáo sẽ súc tích hơn nếu các phần này được giản lược và đi vào trọng tâm quan hệ với phát triển bền vững (ví dụ mức hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu phát triển bền vững sẽ ảnh hưởng đến thù lao Hội đồng quản trị, Ban giám đốc như thế nào).

Tiếp tục các năm trước, BVH năm nay đã hoàn thiện hơn việc cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển bền vững thành những việc làm cụ thể, như gắn kết chặt chẽ hơn các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong chuỗi giá trị thông qua việc tăng cường đánh giá và lựa chọn các nhà thầu có cam kết về môi trường, xã hội; bổ sung yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong quy trình đầu tư góp vốn cổ phần và quản lý dự án. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu BVH có thể mở rộng việc áp dụng tiêu chí phát triển bền vững ra tất cả các hoạt động chính của mình, ví dụ xem xét tái bảo hiểm.

Năm nay, BVH không sử dụng công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo phát triển bền vững của mình, mà thay thế bằng kiểm toán nội bộ. Mặc dù tính độc lập có thể bị hạn chế phần nào, nhưng việc kiểm toán từ một khối kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị cũng cho thấy sự nghiêm túc và cam kết cao của BVH về phát triển bền vững, như thông điệp mà Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đưa ra.

Về mặt trình bày, báo cáo đã sử dụng một cách hiệu quả với tính thẩm mỹ cao các hình vẽ theo chủ đề em yêu biển. Các hình ảnh kết hợp với minh họa và đồ thị đã giúp cho báo cáo sinh động hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều phần được trình bày theo dạng miêu tả (như vai trò và trách nhiệm của các bên trong vấn đề quản trị về phát triển bền vững, quản trị rủi ro hướng đến phát triển bền vững, sự tham gia của bên liên quan trong chính sách và hoạt động của BVH) mà nếu được cấu trúc hóa vào các bảng biểu sẽ làm cho báo cáo ngắn gọn và thoáng hơn cho người đọc.

Một số hạn chế của các năm trước còn tồn tại như mối liên hệ trực tiếp trong cơ chế thù lao, khen thưởng với hiệu quả phát triển bền vững, các mục tiêu phấn đấu trung hạn và dài hạn… Về mặt quản trị, sẽ là hoàn hảo hơn nếu như BVH áp dụng các chuẩn mực quốc tế về sức khỏe và môi trường (ví dụ OSHAS) và có cơ chế độc lập để nhân viên phản hồi và tố giác các hành vi vi phạm (thực tế, báo cáo có đề cập là Tập đoàn đang xây dựng các chính sách/cơ chế tố giác - Whistle Blowing Policy). 

PAN: Tiếp nối thành công của năm trước, báo cáo của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN năm nay tiếp tục lọt vào Top 10, đáp ứng tương đối đầy đủ các tiêu chí yêu cầu của chuẩn GRI phiên bản G4. Báo cáo đã thể hiện cam kết nghiêm túc của Công ty trong chiến lược kinh doanh và đầu tư gắn liền với phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm qua chủ đề xuyên suốt là an toàn thực phẩm.

Báo cáo đã nêu lên đầy đủ những đánh giá tổng thể về tác động kinh tế - môi trường - xã hội, xác nhận các lĩnh vực trọng yếu, quan tâm của các bên có liên quan, quản trị rủi ro và các thành tích về kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội. Mức độ gắn kết với chiến lược phát triển bền vững chung và đánh giá mức độ thực thi chiến lược đã có cải thiện thể hiện ở việc Công ty đã xác định tương đối cụ thể các mục tiêu năm 2017 và giai đoạn tiếp theo ở các lĩnh vực trọng yếu của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các mục tiêu dừng ở mức độ định hướng chung mang tính chất tuân thủ, mà chưa thấy sự phấn đấu nâng cao hoặc các chỉ tiêu định lượng cụ thể, chi tiết cho từng hoạt động hoặc công ty thành viên, trong trung và dài hạn.

PAN là một trong số ít công ty đã lập ra Tiểu ban môi trường xã hội và phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị, với các thành viên và nhiệm vụ cụ thể. Công ty cũng đã áp dụng hàng loạt hệ thống quản lý tiên tiến tại các công ty thành viên như hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), quản lý môi trường bền vững (ASC, MSC, Global GAP), an toàn thực phẩm (BRC, HACCP, ISO 22000…), công nhận năng lực phòng thử nghiệm (Vilas)…, nên các số liệu báo cáo có tính tin cậy cao.

Mức độ minh bạch của PAN cũng được nâng cao qua việc Công ty và các đơn vị thành viên đã xây dựng và áp dụng “Bộ nguyên tắc sản xuất PAN”, quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp (ở Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương).

Về trình bày, báo cáo PAN năm nay tiếp tục chủ đề “xanh” kết hợp với họa tiết trống đồng rất bản sắc và phù hợp với chiến lược kinh doanh của Công ty. Báo cáo cũng đã vận dụng rất tốt các bảng biểu, minh họa và hình ảnh thiên nhiên để tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với người đọc. 

NVL: Mặc dù mới tham gia thị trường chứng khoán, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) đã tạo ra được một đánh giá tốt trong người đọc về sự chỉn chu và chuyên môn của báo cáo thường niên nói chung, báo cáo phát triển bền vững nói riêng.

Nhìn chung, báo cáo phát triển bền vững của NVL có chất lượng khá tốt, đầy đủ tham chiếu theo chuẩn GRI (phiên bản G4). Chiến lược phát triển bền vững được lồng ghép hài hòa trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp. NVL cũng đã thành lập Hội đồng phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị, tuy nhiên nhiệm vụ và hoạt động chưa được thể hiện chi tiết.

Các hoạt động tham vấn các bên liên quan, đánh giá lĩnh vực trọng yếu được NVL thực hiện khá bài bản. Các chỉ tiêu thực hiện về môi trường (vật liệu, năng lượng, nước, nước thải và chất thải) được trình bày rõ ràng, súc tích. Tuy nhiên, báo cáo chưa thể hiện mục tiêu chi tiết và kế hoạch thực hiện, ngoại trừ tuyên bố áp dụng hệ thống công trình xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong thiết kế và thi công dự án, với mục tiêu giảm tối thiểu 20% đối với nguồn vật liệu, mức năng lượng tiêu thụ, mức tiêu thụ nước.

Về chuỗi cung ứng, NVL có chính sách nổi bật là mua 100% sản phẩm và dịch vụ từ nhà cung ứng địa phương. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu Công ty có thêm thông tin về tác động của mình đối với nhà cung ứng, lồng ghép thêm các tiêu chí phát triển bền vững vào việc lựa chọn nhà cung cấp và có các phân tích cụ thể về tác động môi trường, xã hội của chuỗi cung ứng.

Báo cáo của NVL, với cấu trúc chặt chẽ, trình bày súc tích nhưng không kém phần mỹ thuật, đã chuyển tải một cách rõ ràng và mạnh mẽ cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây thực sự là một khởi đầu khá ấn tượng và hứa hẹn NVL sẽ là một đối thủ đáng gờm trong các kỳ báo cáo sau. 

SBT: Với chiến lược sản xuất - kinh doanh chân phương “Xanh - Sạch - Phát triển bền vững”, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã coi trọng giá trị phát triển lâu dài và bền vững với các đối tác thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là trách nhiệm làm giàu cho người nông dân bằng một quan điểm xuyên suốt “Nhà máy có lời - Nông dân có lãi”.

Thay vì cung cấp những thông tin tản mạn về phát triển bền vững, SBT đã thực sự đặt người nông dân vào tâm điểm của chiến lược phát triển bền vững và trình bày một cách đầy đủ những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất ngành mía đường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc cung cấp đường sạch cho người tiêu dùng …

Với dung lượng chiếm đến 26% tổng dung lượng của toàn báo cáo thường niên (so với 7% của báo cáo năm ngoái), báo cáo phát triển bền vững của SBT cho thấy doanh nghiệp có sự đầu tư đáng kể trong việc xây dựng báo cáo năm nay. Với phong cách truyền thông rành mạch, khúc chiết, có tính thuyết phục cao, SBT xứng đáng là đơn vị có “Báo cáo phát triển bền vững có sự phát triển vượt trội”.

Tin bài liên quan