Tổng thư ký OECD: Sự bùng phát Covid-19 là nguy cơ hàng đầu đối với phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo các đợt bùng phát mới của Covid-19 vẫn là một trong những rủi ro hàng đầu đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ các quốc gia kém phát triển hơn trong các chương trình tiêm chủng.
Tổng thư ký OECD: Sự bùng phát Covid-19 là nguy cơ hàng đầu đối với phục hồi kinh tế

Dịch bệnh là rủi ro lớn nhất đối với phục hồi kinh tế

“Chúng ta phải làm những gì có thể để càng nhiều người trên toàn thế giới được tiêm chủng càng tốt. Có một trách nhiệm đặc biệt đối với các nền kinh tế phát triển và đó không chỉ là vấn đề từ thiện hay nhân từ, đó thực sự là vấn đề lợi ích của bản thân cả về việc đảm bảo cho chúng ta giữ an toàn cho dân số của mình và cũng để đảm bảo sự phục hồi kinh tế có thể được duy trì”, ông Mathias Cormann, Tổng thư ký của OECD cho biết hôm thứ Năm (8/7).

“Các đợt bùng phát mới vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế bền vững trong tương lai”, ông cho biết.

“Có một cuộc chạy đua giữa việc có càng nhiều người được tiêm chủng trên khắp thế giới bao gồm và đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và các biến thể có thể kháng với các loại vắc xin hiện có”, ông cho biết.

Mặt khác, nhiều chính trị gia cũng lo lắng rằng sự lây lan liên tục của Covid-19, đặc biệt là biến thể delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn ở những người trẻ hơn và chưa được tiêm chủng có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế.

Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính của Pháp nói với CNBC hôm thứ Ba (6/7) cho biết rằng “điều duy nhất có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế ở Pháp là một làn sóng đại dịch mới”.

Hôm thứ Tư (7/7), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhắc lại lời kêu gọi các quốc gia giàu có giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn bằng cách chia sẻ vắc xin Covid-19, đặc biệt cho nhân viên y tế và chăm sóc và người cao tuổi.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu

Đại dịch Covid-19 có thể là vấn đề cấp bách nhất về sức khỏe cộng đồng toàn cầu nhưng các chính phủ đang chuyển sang các vấn đề cấp bách khác trong thời gian này bao gồm cả cải cách thuế quốc tế.

Vào tháng 6, các bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế tiên tiến nhất G7 đã ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc kêu gọi các tập đoàn trên thế giới đóng thuế ít nhất 15% trên lợi nhuận và thỏa thuận này hiện đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn.

Hôm 1/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo rằng ít nhất 130 quốc gia đã đồng ý mức thuế tối thiểu toàn cầu, đây là một phần của thỏa thuận rộng hơn nhằm sửa đổi các quy tắc thuế quốc tế.

Tổng thư ký OECD, ông Cormann cho biết, thỏa thuận là rất cần thiết và lưu ý rằng “131 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về một phương thức quốc tế nhất quán khi nói về mức thuế công bằng. Toàn cầu hóa và số hóa các nền kinh tế đã tạo ra sự sai lệch về hiệu quả và sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong hệ thống thuế và các doanh nghiệp không đóng thuế công bằng”.

Ông lưu ý rằng tất cả 131 quốc gia đã đồng ý rằng mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15% cũng như các quốc gia trong Nhóm G20.

"Vì vậy, điều đó đã đặt ra một mức sàn về mức độ cạnh tranh thuế trên toàn cầu”, ông cho biết.

Một số khu vực pháp lý có thuế suất doanh nghiệp thấp như Ireland và Hungary mặc dù có sự nghi ngờ về thỏa thuận này nhưng ông Cormann cho biết họ đã tham gia vào quá trình đàm phán: “Một số quốc gia rõ ràng đến với điều này từ một vị trí xuất phát khác nhưng 131 trên 139 các thành viên của G20/OECD đang hợp tác để cải cách các quy tắc thuế đã tham gia và đó là một cột mốc quan trọng”.

Tin bài liên quan