Tới cuối tuần, ông Trump đã tự tay can thiệp vào vấn đề này theo cách của riêng mình với việc đẩy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc lên một nấc thang mới, hành động được giới chuyên gia đánh giá sẽ đảm bảo lãi suất sẽ còn đi xuống.
Chủ tịch Fed cho biết, các rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ xuất phát từ sự tác động của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và các xung đột thương mại. Chính điều này dẫn tới quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ của Fed.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ các thành viên thị trường, nhất là khi các số liệu tại báo cáo mới nhất của JPMorgan cho thấy, lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu bắt đầu bước vào suy thoái. Trong khi Moody’s Investor Service nhận định, xung đột thương mại và các hàng rào thuế quan đã tác động trực tiếp tới sức mua hàng hóa của người tiêu dùng, gia tăng giá cả của mọi vật dụng hàng ngày từ đồ điện tử, quần áo tới nội thất.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Trump “đổ thêm dầu vào lửa” khi cuối tuần trước quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ kể từ 1/9, không bao gồm các hàng hóa đã chịu mức thuế 25% trong lần đánh thuế trước đó, bất chấp việc các cuộc đàm phán giữa 2 bên vẫn diễn ra.
Diễn biến này ngay lập tức tác động tiêu cực tới mọi thị trường tài chính. Trong đó, chỉ số S&P 500 nhanh chóng chuyển trạng thái từ tăng 1,11% thành giảm 1,18% sau khi thông tin được đưa ra. Ðiều quan trọng là đà tăng trước đó được hình thành nhờ trợ lực từ việc Fed hạ lãi suất và nhiều khả năng tiếp tục thực hiện chính sách này trong tháng 9/2019.
Do đó, việc thị trường đảo chiều cho thấy, giới đầu tư tin rằng ông Trump sẽ còn có những bước đi xa hơn nữa trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và hành động giảm lãi suất của Fed chưa đủ sức để cân bằng những tổn thất có thể xảy ra với doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng hưng phấn của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian vừa qua một phần chủ yếu nhờ giới đầu tư tin rằng, việc hạ lãi suất sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, trong giai đoạn tăng trưởng trì trệ hiện nay. Nhưng niềm tin này chỉ tồn tại khi nền kinh tế có thể tránh khỏi nguy cơ suy thoái.
Quyết định hạ lãi suất của Fed giúp nguồn cung tín dụng với lãi suất thấp tăng lên thêm hơn 14 nghìn tỷ USD trên toàn cầu, theo số liệu của Bloomberg, do nó là chất xúc tác cho các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tính ổn định của đồng nội tệ.
Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco tại Oxford Economics cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump rõ ràng đang muốn “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt đạt được các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, mặt khác đẩy Fed vào tình thế phải tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed đang tự “trói” mình khi phát biểu rằng, diễn biến lãi suất sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, vốn khó đi đến điểm chung. Các chuyên gia phố Wall cũng như thành viên thị trường toàn cầu bắt đầu kỳ vọng, Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong phiên họp tiếp theo vào tháng 9.