Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh mới trong phòng kín "sáng 6/3", AFP đưa tin. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3.
Sắc lệnh tạm thời dừng cấp thị thực cho người đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan. 6 quốc gia trên được đưa vào danh sách bởi năng lực thông tin và rà soát của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ.
Sắc lệnh mới không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo về lệnh cấm nhập cảnh mới
"Chúng ta không thể thỏa hiệp an ninh quốc gia với việc cho du khách nhập cảnh khi mà chính phủ của họ không thể hoặc không sẵn lòng cung cấp thông tin cần thiết để kiểm tra, hoặc khi những chính phủ đó tích cực ủng hộ chủ nghĩa khủng bố", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nói với CNN.
Bộ Tư pháp khẳng định sắc lệnh mới là hợp pháp, phù hợp quyền hạn tổng thống và không nhằm vào người Hồi giáo.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Iraq được xóa khỏi danh sách sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với chính phủ Iraq để cải thiện khả năng kiểm tra lý lịch công dân nước này.
Phe Dân chủ gọi sắc lệnh mới là phiên bản lặp lại của sắc lệnh cấm nhập cảnh trước đó. "Lại nữa rồi... Lệnh cấm người Hồi giáo 2.0", Hạ nghị sĩ Andre Carson, bang Indiana, một trong hai người Hồi giáo đang làm việc tại Hạ viện, viết trên Twitter cá nhân.
Tổng thống Trump ngày 27/1 ký sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với người đến từ 7 nước Hồi giáo lớn, gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen trong 90 ngày, với người tị nạn trong 120 ngày và vô thời hạn với người tị nạn Syria. Sắc lệnh gây ra hỗn loạn và biểu tình tại các sân bay quốc tế do nhiều người được phép nhập cảnh từ trước bất ngờ bị xếp vào diện nghi vấn.
Thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, Washington, ngày 3/2 ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump trên phạm vi cả nước, giúp người dân 7 quốc gia Hồi giáo có thể nhập cảnh bình thường. Toà phúc thẩm liên bang khu vực 9 ngày 10/2 bác đề nghị khôi phục lệnh cấm nhập cảnh từ chính quyền Tổng thống Trump, tức giữ nguyên hiệu lực quyết định từ Robart.