Vắc-xin EpiVacCorona. Ảnh: TASS.

Vắc-xin EpiVacCorona. Ảnh: TASS.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã phê duyệt loại vắc-xin Covid-19 thứ hai, loại thứ ba sắp ra mắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuyên bố được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong phiên họp chính phủ ngày 14/10.

“Tôi muốn bắt đầu phiên họp với một thông tin thú vị rằng, Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học Vector tại thành phố Novosibirsk đã được cấp phép sản xuất loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai của Nga vào ngày hôm nay. Tên nó là EpiVacCorona", ông Putin tuyên bố.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết, vắc-xin của Vector được phát triển trên cơ sở adenovirus, khác với cơ sở nghiên cứu ra Sputnik-V, loại vắc-xin đầu tiên của Nga được phê duyệt vào tháng 8.

Theo bà Golikova, dự kiến 60.000 liều vắc-xin EpiVacCorona đầu tiên sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới, sau khi Vector tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Dự kiến vào 1/1/2021, vắc-xin sẽ được đưa vào lưu hành.

Tham gia giai đoạn thử nghiệm này sẽ có 40.000 tình nguyện viên (trong đó có 150 người trên 60 tuổi). Trong các giai đoạn thử nghiệm đầu, vắc-xin này đã được tiêm chủng trên 100 người.

Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh, vắc-xin EpiVacCorona có đặc điểm là "không gây ra phản ứng và mức độ an toàn đủ cao".

"Sự xuất hiện của loại vắc-xin thứ hai sẽ mở rộng cơ hội tiêm chủng đại trà cho người dân và đưa nước Nga tiến gần hơn đến giai đoạn dập tắt đại dịch", bà Golikova tuyên bố.

Theo ông Alexander Ryzhikov, người đứng đầu Trung tâm Vector, vắc-xin thứ hai này sẽ tạo ra miễn dịch trong ít nhất 6 tháng và mọi người có thể tiêm vắc-xin nhiều lần.

Cũng trong phiên họp chính phủ ngày 14/10, ông Putin tiết lộ, loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ ba của Nga đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 1. Loại vắc-xin này được phát triển bởi Trung tâm Khoa học Liên bang về nghiên cứu và phát triển các chế phẩm miễn dịch mang tên Chumakov.

Giai đoạn thử nghiệm thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 19/10 và kết thúc vào tháng 12.

Đối với loại vắc-xin đầu tiên do Nga công bố là Sputnik-V, cũng là loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép, hiện đã có 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Tin bài liên quan