Tổng thống Obama “ghi điểm” trước cử tri trong vấn đề TPP

Tổng thống Obama “ghi điểm” trước cử tri trong vấn đề TPP

(ĐTCK) Theo kết quả khảo sát mới công bố, ngày càng có nhiều người Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Barack Obama trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Những ngày qua, tranh cãi về TPP và những tác động của nó tới tương lai kinh tế Mỹ là một trong những chủ đề đáng quan tâm. Bản thân Tổng thống Obama muốn đẩy nhanh đàm phán và sớm hoàn tất TPP, mở ra cánh cửa thương mại tự do rộng hơn giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 nền kinh tế khác. Tổng thống Obama từng khẳng định rằng, ông đang đấu tranh cho tầng lớp trung lưu nước Mỹ, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các ngành công nghiệp trong nước.

Kết quả khảo sát mới công bố của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, có 58% số người Mỹ được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với các thỏa thuận thương mại, mức cao kỷ lục kể từ năm 1997. Một khảo sát độc lập do hãng tin Reuters thực hiện cũng cho thấy kết quả tương tự. Như vậy, đã rất lâu rồi người Mỹ mới lại bày tỏ sự ủng hộ các thỏa thuận thương mại (với các nước khác) nhiều hơn số lượng phản đối.

Tuy nhiên, ông Obama lại phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ rất nhiều nghị sỹ Đảng Dân chủ, những người từng hậu thuẫn và ủng hộ ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2008. Theo quan điểm của họ, TPP là “kẻ thù” của ngành chế tạo nước Mỹ, khi lĩnh vực này sẽ phải mở cửa và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, một lý do khiến các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ không ủng hộ TPP là do áp lực lá phiếu của các cử tri thuộc các nghiệp đoàn, những người lo ngại việc làm có thể sẽ bị mất do TPP.

Ông Simon Lester, một chuyên gia về chính sách thương mại và ủng hộ mậu dịch tự do tại Viện Cato, thừa nhận mối quan ngại về việc người dân Mỹ có thể bị mất việc làm nhưng vẫn cho rằng, mở rộng mậu dịch tự do sẽ có lợi hơn cho kinh tế Mỹ. Theo ông Lester, TPP sẽ hạ thấp giá cả, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tình trạng mất việc làm sẽ diễn ra đối với một số ngành công nghiệp, song việc mở cửa thị trường với nước ngoài sẽ tạo thêm việc làm trong những ngành công nghiệp khác.   

Dù Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật về quyền thúc đẩy thương mại, hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền Tổng thống Obama trong các đàm phán thương mại, trong đó có TPP, song trở ngại chính hiện nằm ở Hạ Viện. Đây có thể là nhiệm vụ khó khăn đối với ông Obama do lực lượng phản đối TPP tại Hạ Viện chiếm số lượng áp đảo hơn.    

Mặc dù vậy, theo khảo sát, đa số cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ vẫn bỏ phiếu ủng hộ các hiệp định thương mại, tương tự với các cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa. Trên thực tế, kết quả khảo sát của Pew cho thấy, phần đông các nhóm thu nhập cho rằng các thỏa thuận thương mại là điều tốt lành cho kinh tế Mỹ, ngay cả khi xuất hiện những quan điểm trái chiều về tác động của nó tới thu nhập của các hộ gia đình.

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, Giám đốc Trung tâm các vấn đề quân sự - chính trị tại Nga, Aleksei Podberezkin nhận định, TPP là một nỗ lực mang tính chiến lược của Mỹ, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị và quân sự. Theo ông Podberezkin, hiệp định này là sự liên kết địa - chính trị rõ nét. Mỹ đang cố gắng tìm cách bảo tồn hệ thống tài chính, kinh tế và quân sự mà nước này đứng đầu, nhưng để làm như vậy thì chỉ một mình Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) là không đủ.

Vì vậy, việc liên minh kinh tế và thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương gần như là một ưu tiên bắt buộc cho chính sách xoay trục của Mỹ. Trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định, hoặc Mỹ ký kết TPP, hoặc phải chấp nhận nguy cơ bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Nếu được ký kết, TPP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử, tác động đến 1/3 trao đổi mậu dịch thế giới và có quy mô khoảng 40% GDP toàn cầu.

Tin bài liên quan