Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng VTB Andrey Kostin cho biết Tổng thống Putin ủng hộ kế hoạch “phi USD hóa” nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, ông Kostin khẳng định động thái trên không có nghĩa là Nga sẽ loại bỏ hoàn toàn đồng tiền của Mỹ.
Theo RT, ý tưởng “phi USD hóa” nền kinh tế Nga đã được thảo luận tích cực gần đây tại Nga do các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Washington đối với Moscow.
Hồi tháng 7, ông Kostin, chủ tịch ban điều hành của VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, đã đệ trình một loạt đề xuất tách nền kinh tế Nga khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời tăng cường sử dụng đồng rúp của Nga trong các giao dịch thanh toán quốc tế. Kế hoạch của ông Kostin gồm 4 bước chính.
Theo kế hoạch, Nga sẽ tăng cường sử dụng các đồng tiền khác khi tiến hành các giao dịch xuất - nhập khẩu với nước ngoài. Các đồng tiền được ưu tiên sử dụng gồm đồng Euro của châu Âu, nhân dân tệ của Trung Quốc và rúp của Nga.
Nga đang tính toán nhiều phương án để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ sau khi Washington và các đồng minh áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow kể từ năm 2014.
Hồi tháng 5, Tổng thống Putin cho biết Nga không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính do đồng USD thống trị kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Putin nói rằng tình trạng độc quyền của đồng USD là không an toàn và gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Các cuộc thảo luận về sự cần thiết của việc “phi USD hóa” nền kinh tế Nga bắt đầu được đẩy mạnh sau khi một dự luật được trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 8 gồm một loạt các biện pháp nhắm mục tiêu tới các thể chế tài chính của Nga.
Bộ Tài chính Nga cũng ủng hộ kế hoạch của ông Kostin. Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga Maxim Oreshkin khẳng định vai trò của đồng USD đã sụt giảm đáng kể. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang triển khai chính sách “phi USD hóa” và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này.
Ngày 26/9, trong phiên điều trần trước Tiểu ban Tài chính phụ trách Chính sách tiền tệ và Thương mại Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea cho rằng nếu áp dụng các lệnh trừng phạt kiểu Iran, Triều Tiên với nền kinh tế Nga thì sẽ không hiệu quả.
Lý do là vì nền kinh tế Nga khá mạnh và tích hợp chặt chẽ với hệ thống tài chính quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo quan chức Mỹ, Washington chỉ hướng tới việc trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Nga chứ không thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế Nga.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 1/10 đã liệt 2 công ty của Estonia là Eastline Technologies và Adamir cùng công ty Real Componets có trụ sở tại Moscow vào danh sách trừng phạt với cáo buộc chuyển giao các linh kiện điện tử của Mỹ bị cấm xuất khẩu sang Nga.
Lãnh đạo của các công ty này cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc hai công ty tìm cách chuyển các linh kiện điện tử do Mỹ chế tạo thông qua lãnh thổ Estonia và Phần Lan sang Nga trong khi việc này cần phải có giấy phép theo luật Mỹ.