Tổng thống Mỹ: Thế giới phản ứng dữ dội nếu Trung Quốc hỗ trợ cuộc chiến của Nga

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ đồng hồ vào sáng 18/3 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về vấn đề Nga tấn công Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11/2021. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11/2021. Ảnh: AFP

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu sau 9 giờ sáng 18/3, theo múi giờ miền Đông Bắc Mỹ và kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Đây được coi là một phép thử quan trọng xem liệu Tổng thống Biden có thể thuyết phục Trung Quốc đứng ngoài cuộc xung đột ở Ukraine và từ chối các yêu cầu viện trợ kinh tế hoặc quân sự của Nga hay không.

Trong điện đàm, cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ đối phó với thảm họa nhân đạo do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Tuy nhiên, theo phản ánh của đài CNBC, hai bên bất đồng sâu sắc về việc ai phải chịu trách nhiệm cho những đau thương ở Ukraine khi nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối quy trách nhiệm riêng cho Nga về cuộc tấn công vào Ukraine.

Tổng thống Biden "đã chỉ ra những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga", Nhà Trắng cho biết.

Tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự và kinh tế cho cuộc chiến của họ tại Ukraine, và các báo cáo tình báo ban đầu cho thấy Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ.

Sau cuộc điện đàm sáng 18/3, chưa có các quan chức Trung Quốc và Mỹ nào cho biết liệu ông Joe Biden có thể thay đổi suy nghĩ của ông Tập Cận Bình về Nga theo bất kỳ cách nào hay không.

Phía Nhà Trắng nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông Joe Biden không phải là có được sự đảm bảo trực tiếp từ ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ không hỗ trợ Nga, mà chỉ đơn thuần là làm rõ những lựa chọn mà Bắc Kinh phải đối mặt.

"Tổng thống Mỹ thực sự đã đề cập rất chi tiết về phản ứng thống nhất không chỉ từ các chính phủ trên toàn thế giới mà còn cả khu vực tư nhân, đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với báo giới chiều 18/3.

Vị quan chức giấu tên này cho biết thêm, Tổng thống Biden đã "nói rõ rằng có thể sẽ có hậu quả đối với những ai ủng hộ Nga vào thời điểm này".

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Joe Biden rằng Mỹ và Trung Quốc đều có nghĩa vụ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cùng "chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và tránh đối đầu, đồng thời hai bên cần tăng cường trao đổi và đối thoại ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực".

Ông Tập Cận Bình cho biết: "Cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là điều chúng tôi muốn thấy". Mặt khác, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng "muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông". Câu thành ngữ Trung Quốc được sử dụng với hàm ý ai là gây ra vấn đề thì phải giải quyết vấn đề.

Phía Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình đã nói với ông Joe Biden rằng các ưu tiên cấp bách hiện nay của họ là "duy trì các cuộc đối thoại và đàm phán, tránh thương vong cho dân thường, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch càng sớm càng tốt". Vì mục tiêu đó, Bắc Kinh "sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo hơn nữa cho Ukraine và các nước bị ảnh hưởng khác".

Việc Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine là một dấu hiệu cho thấy ít nhất là bề ngoài, quan hệ đồng minh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang căng thẳng, đài CNBC bình luận.

Người phát ngôn của cả chính phủ Nga và Trung Quốc đều đã công khai phủ nhận rằng Nga đã tìm đến Trung Quốc để đề nghị hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của các thành viên NATO và các nước G7 áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc tấn công vào Ukraine đã khiến Điện Kremlin bị cô lập và một số nhà phân tích cho rằng, họ tuyệt vọng về sự hỗ trợ tài chính và cung ứng quân sự.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc dường như sẵn sàng cung ứng vật tư quân sự cho Nga, nhưng cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ công khai giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt kinh tế.

"Trung Quốc không phải là một bên của cuộc khủng hoảng và cũng không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Trung Quốc", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu trong cuộc điện đàm đầu tuần này với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Albares.

Tin bài liên quan