Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện chương trình chuyến thăm đang được hai bên bàn bạc, thảo luận, thu xếp theo đường ngoại giao.
Về những vấn đề sẽ được đề cập trong chuyến thăm tới Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 5 tới của Tổng thống Obama, theo Phó Thủ tướng, dù hiện tại tất cả các vấn đề còn đang ở trên bàn đàm phán, hai bên đang cùng thảo luận với nhau nhưng mục tiêu cao hướng tới là tiếp tục làm cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước sâu sắc hơn, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; kể cả vấn đề duy trì hòa bình, ổn định.
“Về vấn đề duy trì, hoà bình, ổn định, những diễn biến trên biển, câu chuyện Biển Đông cũng sẽ được đề cập. Nhưng đặc biệt, hiện tại, Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh để lại như vấn đề chất độc da cam, những vấn đề nhân đạo của cả hai bên”- Phó Thủ tướng nói thêm.
Nhấn mạnh việc, các chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ là hoạt động bình thường trong quan hệ ngoại giao song phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại, vừa qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có những chuyến thăm cấp cao sang Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ cũng đã có những chuyến thăm tới Việt Nam.
Phó Thủ tướng nói: “Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Obama đến Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ của ông. Với chuyến thăm này của Tổng thống Obama, có thể nói, quan hệ giữa 2 nước đã thực sự sâu sắc hơn.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc chuyến thăm của Tổng thống Mỹ lẽ ra đã diễn ra từ cuối năm 2015, gần thời điểm Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam sang đến giữa năm nay, cận thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của ông Obama có làm giảm ý nghĩa của hoạt động này, Phó Thủ tướng khẳng định, “không có vấn đề gì, Tổng thống Obama vẫn là người đại diện cho một quốc gia, cho nước Mỹ”.
Không đặt chuyến thăm của Tổng thống Mỹ trong tương quan so sánh với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phân tích, quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc là khác nhau. Đó là các quan hệ song phương độc lập.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đáp: “Đâu cứ phải là cứ phải có chuyến thăm này thì phải có chuyến kia. Vả lại, mỗi hoạt động cũng cần dựa trên cơ sở thu xếp, thoả thuận cụ thể”.
“Không thể nói chuyến thăm Việt Nam kém ý nghĩa khi Tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ. Tổng thống Obama đã nói, ông thật sự rất trông đợi chuyến thăm đến Việt Nam” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua.
Khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp John Kerry tại Washington D.C. Tại Hội nghị, ông Kerry cũng cho biết, phía Mỹ mong muốn hai bên sớm thiết lập các cơ chế nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, trong đó có việc sớm đạt thỏa thuận về việc Đội Hòa bình dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Ngoại trưởng Kerry cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt trong việc tẩy độc các điểm nóng bị phơi nhiễm chất dioxin. Ngoại trưởng Kerry cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh hàng hải, cam kết Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp, lực lượng cảnh sát biển.
Trong lịch sử quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đã có nhiều Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam. Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam vào tháng 11/2000. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. 6 năm sau, Tổng thống George W.Bush đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2006. Chuyến thăm tới đây của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam (tháng 5/2016) được kỳ vọng sẽ ghi một dấu mốc mới trong quan hệ song phương. Ông Obama sẽ là Tổng thống thứ ba của xứ cờ hoa tới thăm Việt Nam khi còn tại nhiệm.
Về phía Việt Nam, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã thăm Hoa Kỳ khi đang đương nhiệm vào các năm 2005 và 2007. Ngay trong nhiệm kỳ 2011-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2015. Đây là chuyến thăm “lịch sử” theo cách gọi của các nhà nghiên cứu.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có chuyến thăm Hoa Kỳ khi còn đương nhiệm (tháng 7/2013). Trong chuyến thăm này, hai bên đã chính thức ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa kết thúc của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã thăm Hoa Kỳ. Đáng chú ý, trong năm 2015, Chủ tịch nước vừa đắc cử Trần Đại Quang (khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Công an) và tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó đang là Phó Chủ tịch Quốc hội) cũng đã thăm Hoa Kỳ.