Tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVX làm tổng thầu EPC vẫn nhích chậm

Tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVX làm tổng thầu EPC vẫn nhích chậm

Tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (PVX) bán “con” đỡ dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
Việc bán vốn tại một số công ty con phần nào mang về nguồn tiền cho PVX. Tuy nhiên, điều này không thể giúp chấm dứt chuỗi thời gian thua lỗ của doanh nghiệp này.

Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX-UPCoM) tiếp tục ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đạt 4.050 tỷ đồng. Lỗ lũy kế riêng công ty mẹ cũng đã tăng lên 3.710 tỷ đồng, tương đương 92,75% khoản vốn góp 4.000 tỷ đồng của các cổ đông đã bị ăn mòn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu gần 54,5% vốn.

Ở thời điểm hiện tại, PVX vẫn đang giữ vai trò là tổng thầu EPC của dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Mặc dù nỗ lực lớn để đẩy nhanh tiến độ, dự án này vẫn gặp khó khăn kép trong năm 2020, bao gồm vướng mắc về cơ chế/nguồn vốn chưa có hướng dẫn để thực hiện giải ngân và ảnh hưởng bất khả kháng từ dịch Covid-19. Theo cập nhật mới nhất về dự án, tiến độ tổng thể đến hết tháng 12/2020 đạt 86% tăng được 1,72% so với tiến độ năm 2019 (84,28%). Dự kiến sẽ hoàn thành cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời tổ máy 1 vào ngày 26/09/2022 và tổ máy 2 vào 31/12/2022.

Dự án trọng điểm mà PVX đang triển khai vẫn chỉ đang nhích dần từng bước nhỏ. Để cải thiện tình hình tài chính, PVX nhiều năm gần đây đều nhấn mạnh đến giải pháp thoái vốn đầu tư tại các đơn vị. Hoạt động này được tập trung thực hiện trong quý IV vừa qua

PVX đã bán ra phần vốn góp tại CTCP Đầu tư xây dựng thương mại Dầu khí – Idico và PVC-Land với giá trị sổ sách lần lượt là 136 tỷ đồng và 203 tỷ đồng. Trước đó, công ty này đã phải trích lập dự phòng hơn 220 tỷ đồng tại 2 doanh nghiệp trên. Dù việc thanh lý các khoản đầu tư khiến PVX lỗ 187,1 tỷ đồng nhưng nếu tính cả khoản dự phòng đã trích từ trước, PVX vẫn được hạch toán lãi 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này không đáng kể so với khoản thua lỗ của công ty.

Trong năm 2020, PVX lỗ ròng 215 tỷ đồng, vẫn “cải thiện” hơn so với khoản lỗ 393 tỷ đồng của năm trước. Doanh thu thuần cả năm của tổng công ty giảm hơn 22% còn 1.552 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp. Dù mảng kinh doanh này vẫn có lãi nhưng với mức biên lãi gộp mỏng cùng một số mảng phụ khác kinh doanh dưới giá vốn khiến PVX vẫn lỗ gộp 13,9 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lương cho các cán bộ quản lý dù giảm vẫn xấp xỉ cả trăm tỷ đồng.

Dù thoái dưới giá vốn đầu tư, hoạt động này giúp PVX cải thiện được phần nào dòng tiền. Trong khi lưu chuyển dòng tiền hoạt động kinh doanh hợp nhất âm hơn 129 tỷ đồng, lưu chuyển dòng tiền tài chính cũng âm 136 tỷ đồng do tích cực trả nợ gốc vay, hoạt động đầu tư lại có dòng tiền thu vào lớn hơn dòng tiền chi ra. Trong đó, số tiền thu hồi đầu tư góp vốn xấp xỉ 357 tỷ đồng.

Danh mục các công ty liên kết của PVX đến cuối năm 2020 vẫn còn 11 doanh nghiệp. Nhưng 8/11 đơn vị này đã được trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư lên tới 100%. Giá gốc của các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết đạt hơn 760 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ gần 34 tỷ đồng. Tương tự, PVX cũng đã dự phòng cho phần lớn các khoản phải thu. Các khoản trích lập dự phòng này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ các năm qua.

Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ chỉ còn 367 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ dù giảm nhẹ vẫn lên tới 4.655 tỷ đồng, gấp 12,6 lần quy mô vốn tự có. Việc thua lỗ triển miên cũng loạt ý kiến từ chối của các công ty kiểm toán đã khiến cổ phiếu PVX rời sàn niêm yết xuống UPCoM từ giữa năm 2020. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 2.400 đồng. Khoản đầu tư của các cổ đông theo định giá của thị trường đã bốc hơi tới 76%.

Tin bài liên quan