Tổng quan ngành hàng hải Việt Nam

(ĐTCK-online) Trong xu thế mở cửa và hội nhập của nền kinh tế hiện nay, nhu cầu về xuất nhập khẩu hàng hoá ngày một tăng cao đã mở ra triển vọng phát triển cho ngành hàng hải Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý, có đường bờ biển kéo dài hơn 3.260 km và nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế biển nói chung và ngành hàng hải nói riêng.

Hiện tại, Việt Nam có 266 cảng biển, bố trí tại 24 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có nhiều cảng biển tiềm năng và lợi thế lớn như Lạch Huyện (Hải Phòng), Vân Phong (Khánh Hoà)… Tuy nhiên, các cảng biển Việt Nam bố trí chưa hợp lý, năng lực của các cảng có hạn và ít cảng nước sâu để đón tàu có trọng tải lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - đơn vị đầu tàu trong ngành hàng hải Việt Nam, là phải đẩy mạnh phát triển đội tàu và năng lực cảng biển cũng như dịch vụ hàng hải, cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam . Theo dự kiến, năm 2010 sẽ có khoảng 200 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam. Đến năm 2020, số lượng này có thể sẽ lên đến 350 triệu tấn. Giá cước vận tải cũng tăng từ 10 - 20% so với năm 2006. Đây sẽ là cơ hội kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp hàng hải Việt Nam .

Theo kế hoạch của Chính phủ, để đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 8,5% thì tốc độ tăng trưởng của ngành phải đạt ít nhất 10%/năm trở lên. Sự phát triển cao của nền kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại quốc tế, sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động kinh doanh ngành hàng hải Việt Nam .

Các công ty hàng hải niêm yết trên HOSE

Hiện tại, có 12 công ty hàng hải niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HASTC. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi giới thiệu 9 công ty trên sàn HOSE.

Một số chỉ tiêu tài chính của 9 công ty hàng hải

Tên công ty

EPS

P/E

Giá trị thị trường

(tỷ đồng)

 SHC

Hàng hải Sài Gòn

2.540

18,2

140

PJT

Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex

3.670

16,9

217

VGP

Cảng rau quả

4.820

9,7

219

DXP

Cảng Đoạn Xá

3.960

17,7

247

SFI

Đại lý vận tải SAFI

6.750

29,0

253

HTV

Vận tải Hà Tiên

2.990

19,8

346

MHC

Hàng hải Hà Nội

4.100

11,4

441

TMS

Transimex – Saigon

3.070

24,0

470

GMD

Đại lý liên hiệp vận chuyển

5.350

23,9

5.561

 

Trung bình

4.140

19,1

877

 

Blue-chip

5.710

24,8

14.921

 (Nguồn: Bản tin thị trường ngày 10/1 của HOSE. Lưu ý, EPS tính cho giai đoạn quý IV/2006 - quý III/2007 )

Căn cứ vào số liệu trên có thể thấy, so với các cổ phiếu blue-chip trên thị trường thì giá cổ phiếu ngành hàng hải đang ở mức trung bình, giá trị vốn hóa thị trường không lớn.

 

So sánh P/E ngành hàng hải VN với Singapore và Hồng Kông

 

 

P/E

Việt Nam

19,1

Singapore

29,6

Hồng Kông

46,5

 

Có thể thấy, giá cổ phiếu hiện tại của các doanh nghiệp hàng hải nước ta đang khá thấp so với ngành hàng hải Singapore và Hồng Kông. Điều đó chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của ngành hàng hải Việt Nam .

 

Phân tích kỹ thuật (chỉ số VN-Index):

Để có cái nhìn tổng quan về cổ phiếu ngành hàng hải, chúng tôi đã xây dựng chỉ số VN-Index. Đây là chỉ số đại diện cho các công ty trong ngành hàng hải Việt Nam , được tính theo phương pháp Passcher (phương pháp đang được áp dụng để tính VN-Index và HASTC-Index) dựa vào dữ liệu từ đầu năm 2007 tới ngày 09/01/2008 của 9 công ty niêm yết trên sàn HOSE.

 

Tính từ đầu năm 2007 tới nay, VN-Index biến động rất mạnh nhưng vẫn dao động xung quanh mốc 100 điểm. Sự biến động của VM-Index có thể chia ra thành bốn giai đoạn khác nhau:

-Giai đoạn 1 (1/1 - 15/3): VN-Index tăng khá mạnh, lên đến đỉnh điểm vào ngày 27/02/2007, đạt 144,6 điểm.

-  Giai đoạn 2 (16/3 - 30/7): VN-Index giảm mạnh, còn 95 điểm vào ngày 30/07/2007.

-  Giai đoạn 3 (31/7 - 25/10): VN-Index bắt đầu phục hồi dần và tăng lên đến 133,5 điểm.

-  Giai đoạn 4: VN-Index đi xuống từ cuối tháng 10/2007 cho đến nay.

Xu hướng ngắn hạn hiện tại của VN-Index đang đi xuống.

Mặc dù các chỉ báo hai lằn Aroon up và Aroon down chưa có tín hiệu gì đảo chiều xu thế, tuy nhiên, chỉ số CCI (CCI < -100) đang ở vùng quá bán (oversold) và đường VN-Index đang chọc thủng dải bollinger band dưới thể hiện sắp tới VN-Index sẽ phục hồi để trở về mức cân bằng cung cầu trên thị trường.

Đường RSI đang dần tiến tới mức siêu bán (RSI = 30) và ADX = 18 thể hiện cường lực của xu thế hiện tại đang yếu.

Như vậy, trong xu thế biến động chung của TTCK, giá cổ phiếu của các công ty hàng hải đã giảm xuống mức khá thấp. Tuy nhiên, ngành hàng hải Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển, mặc dù trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, sự cạnh tranh giữa các công ty trong nội bộ ngành và các công ty nước ngoài là rất gay gắt.