Các bị cáo trong phiên tòa chiều nay - ảnh chụp qua màn hình

Các bị cáo trong phiên tòa chiều nay - ảnh chụp qua màn hình

Tổng hợp phiên Tòa buổi chiều xét xử bầu Kiên: Chối tội và nhân viên đổ trách nhiệm

(ĐTCK) Trong phiên Tòa buổi chiều xét xử "bầu" Kiên, Tòa dành phần lớn thời gian để nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng truy tố và xét hỏi. Trong phần xét hỏi, bầu Kiên và các bị cáo đều bác cáo trạng, trong đó, cựu Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty ACBI đều cho rằng, mình chỉ làm theo chỉ đạo của "bầu" Kiên.

17h30, 

Hội đồng xét xử kết thúc ngày làm việc đầu tiên. Ngày mai (21/5), HĐXX tiếp tục làm việc từ  8h sáng.

Trước đó vào cuối giờ chiều nay, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo và đầu giờ chiều, Viện Kiểm sát đã công bố cáo trạng của vụ án.

17h15:

 

Hội đồng xét xử thẩm vấn Nguyễn Thị Hải Yến.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải khai: Không có nhân viên văn phòng, nên tôi soạn thảo, làm theo chỉ đạo ông Kiên. Ông Kiên là Chủ tịch HĐQT quyết định mọi việc của Công ty.

Công văn đề nghị giải chấp 20 triệu CP Thép Hòa Phát, bị cáo soạn thảo, chuyển cho bị cáo Thanh ký, chuyển ngay sang ACB và ACBS bằng chuyển phát nhanh. Sau đó, bị cáo nhận email từ bà Võ Thúy Ngọc, Giám đốc Phòng quan hệ khách hàng trả lời 7,4 triệu CP Eximbank chưa đủ thay thế 20 triệu CP Thép Hòa Phát ngày 14 và ngày 23/5. Bị cáo có báo cáo ngay cho bị cáo Kiên về việc này và báo cáo 2 - 3 lần, lần cuối vào cuối tháng 6.

Bà Võ Thúy Ngọc khai tại tòa: Khoảng đầu tháng 5 nhận được công văn đề nghị giải chấp của ACBI và gửi email trả lời  nội dung: tạm tính sơ bộ, thì khoản thay thế còn thiếu nhiều, nên đề nghị có phương án bổ sung tài sản bảo đảm. Thiếu nhiều như vậy khả năng giải chấp là khó.

Tổng hợp phiên Tòa buổi chiều xét xử bầu Kiên: Chối tội và nhân viên đổ trách nhiệm ảnh 1

 Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến: Khi ký hợp đồng bán CP cho Thép Hòa Phát, bị cáo không chứng kiến. Trước đó, bị cáo nhận hợp đồng từ bên Thép Hòa Phát đưa sang và chuyển cho ông Kiên xem, ông Kiên ký nháy rồi chuyển lại cho ông Thanh ký. Khi bị cáo nhận được hợp đồng thì đã có đầy đủ chữ ký và dấu của Thép Hòa Phát.

Sau khi ký hợp đồng, Thép Hòa Phát chuyển tiền vào tài khoản làm 3 đợt, quản lý dòng tiền ra vào là nhiệm vụ của bị cáo, nhưng bị cáo không được sử dụng. Việc trả lại cổ phần cho Thép Hòa Phát không thuộc trách nhiệm của tôi.

16h35’: 

HĐXX thẩm vấn Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh về hành vi lừa đảo và đề nghị cách ly 2 bị cáo.

Bị cáo Thanh khai, trước đây là Trưởng phòng ở Sở Thương mại. Đến tháng 4/2006 về ACB làm Giám đốc chi nhánh Công ty Quản lý nợ và tài sản, tháng 3/2008, được ông Kiên giao kiêm nhiệm thêm Giám đốc CTCP ACBI.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh: Tuy là Giám đốc, nhưng toàn bộ hoạt động tài chính và ngân hàng có liên quan do Chủ tịch (do “bầu” Kiên nắm giữ) chỉ đạo trực tiếp kế toán hoàn thiện hồ sơ giấy tờ chuyển sang cho bị cáo ký.

Lãnh đạo cao nhất công ty là ông Kiên. Theo điều lệ công ty, HĐQT họp từ 3 - 6 tháng/lần, nếu việc nào cần xin ý kiến thì xin ý kiến bằng văn bản. HĐQT quyết theo đa số theo điều lệ, nhưng ở công ty nhỏ, thì Chủ tịch HĐQT quyết luôn. Chúng tôi rất tôn trọng ý kiến Chủ tịch HĐQT (tức bị cáo Nguyễn Đức Kiên).

Công ty ACBI sở hữu 24 triệu CP Thép Hòa Phát, thế chấp cho ACB vào tháng 3/2008, thủ tục thế chấp Chủ tịch giao cho kế toán phối hợp với ACBS làm. Người làm trực tiếp thì tôi không nắm, nhưng tôi chỉ biết là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo. Tôi chỉ ký thôi.

Tổng hợp phiên Tòa buổi chiều xét xử bầu Kiên: Chối tội và nhân viên đổ trách nhiệm ảnh 2

 Bị cáo Trần Ngọc Thanh

Thế chấp để đảm bảo cho phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu của ACBI. Cổ phiếu đang thế chấp muốn bán thì phải có sự đồng ý của ACB và ACBS. 

Khi ký hợp đồng bán cổ phiếu cho Thép Hòa Phát, chủ trương, thỏa thuận do bị cáo Kiên thực hiện. Chị Yến, Kế toán trưởng chuyển cho tôi văn bản đề nghị giải chấp cổ phiếu Thép Hòa Phát, thì lúc đó bị cáo mới biết có chủ trương này.

Bị cáo không được trao đổi về nội dung với ông Kiên và đối tác, khi Kế toán trưởng chuyển hợp đồng thì tôi yêu cầu phải chuyển cho ông Kiên xem trước, sau đó ông Kiên ký nháy, Kế toán trưởng chuyển lại và thông báo là ông Kiên đã thống nhất với hợp đồng. Sau đó bị cáo ký đóng dấu.

HĐXX hỏi: Vì sao văn bản đề nghị giải chấp ký ngày 5/5, nhưng chưa có văn bản trả lời mà ngày 21/5 đã ký hợp đồng chuyển nhượng?

Bị cáo Thanh: Chính vì thế nên tôi mới phải đứng trước vành móng ngựa. Tôi nghĩ là thủ tục đã xong, không còn gì vướng mắc. Đây chính là sai lầm của tôi.

Theo bị cáo Thanh, bị cáo Kiên có uy tín rất lớn trong hệ thống nên khi bị cáo Kiên đã ký nháy, thì bị cáo Thanh nghĩ là việc giải chấp đã xong rồi, không còn gì vướng mắc. Giá trị 7 triệu CP Eximbank đủ giá trị để thay thế 24 triệu CP của Thép Hòa Phát. Còn việc định giá thế nào là của Chủ tịch HĐQT cũng như ACB.

16h10’: 

Sau hơn 2h công bố cáo trạng và 10 phút nghỉ giải lao, HĐXX bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

HĐXX: Theo suy nghĩ và nhận thức của các bị cáo, cáo trạng truy tố có đúng không?

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Cáo trạng truy tố không chính xác, không đúng người đúng tội.

Các bị cáo khác đều cho rằng, cáo trạng truy tố không chính xác, không đúng, chưa thỏa đáng, các bị cáo không phạm tội.

14h00:

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thu Yến công bố cáo trạng.

Bản cáo trạng được ban hành vào tháng 2/2014, dài gần 40 trang, truy tố 9 bị cáo với 4 tội danh Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng hợp phiên Tòa buổi chiều xét xử bầu Kiên: Chối tội và nhân viên đổ trách nhiệm ảnh 3

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng - ảnh chụp qua màn hình

Cụ thể, về hành vi kinh doanh trái phép, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: (1) CTCP Phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam; (2) CTCP Đầu tư thương mại B&B (3) CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; (4) CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (5) Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (6)CTCP Đầu tư Á Châu.

Các pháp nhân này đều có hàng chục ngành nghề kinh doanh đa dạng nhưng đều không có chức năng kinh doanh đầu tư tài chính, phát hành và bán trái phiếu, nhưng sau khi thành lập, ông Kiên đều chỉ đạo các công ty này thực hiện việc phát hành và bán trái phiếu của một số công ty cho một vài ngân hàng để vay nhiều tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định, thông qua 6 công ty ông Kiên đã sử dụng số vốn lên tới 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép.

Về hành vi trốn thuế, theo cơ quan công tố, do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên chỉ đạo Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là bà Nguyễn Thúy Hương vào tháng 12/2008. Theo đó bà Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư kinh doanh vàng tài khoản, phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp và được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính này.

Kết quả, bà Hương được hưởng lợi nhuận gộp đợt 1 là 68,1 tỷ đồng sau khi đã trừ phí ủy thác. Đợt 2, bà Hương được hưởng 31,2 tỷ đồng nhưng Công ty B&B chưa trả tiền mà nhận nợ với bà Hương. Cơ quan điều tra xác định hợp đồng với bà Hương là vô hiệu do Công ty B&B không được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và nhận ủy thác đầu tư. Công ty này đã né nghĩa vụ thuế với nhà nước bằng cách chuyển lợi nhuận cho bà Hương.

Bộ Tài chính đã tiến hành giám định đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB là 25 tỷ đồng.

Về hành vi lừa đảo, CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) do ông Nguyễn Đức Kiên làm đại diện theo pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT, sở hữu khoảng 29,9 triệu CP của CTCP Thép Hòa Phát.

Tháng 5/2010, ông Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh đại diện Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,49 triệu CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2012, ông Kiên biết Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn của Tập đoàn này tại các công ty thành viên trong đó có Thép Hòa Phát. Dù 20 triệu CP của Thép Hòa Phát đang được thế chấp cho Ngân hàng ACB nhưng ông Kiên vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng CP cho Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi ký hợp đồng, phía Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI, số tiền này ông Kiên đã chỉ đạo rút ra chi trả các khoản nợ nhưng không chuyển trả CP cho phía Hòa Phát.

Cơ quan chức năng xác định hành vi này của ông Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi cố ý làm trái, tháng 3/2010, Ngân hàng ACB có nguồn vốn chưa đầu tư và chịu áp lực bị lỗ khi vẫn phải trả lãi suất tiết kiệm, Thường trực HĐQT ACB đã triệu tập cuộc họp bàn vấn đề này và sau đó thống nhất phương án: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND/USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn…; Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác.” 

Từ nghị quyết này đã dẫn tới việc ACB bị mất 718,9 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như vừa được xét xử hồi tháng 1/2014.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo của Ngân hàng ACB đã có hành vi vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của CTCK: không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của CTCK.

Nhưng Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã có quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt, tính thanh khoản cao và ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.

Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư một số cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng ACB. Riêng việc đầu tư cổ phiếu ACB khiến cho Ngân hàng ACB chịu thiệt hại 614,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo khác của ACB như ông Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang, Phan Xuân Cang, Lê Vũ Kỳ… bị truy tố về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tin bài liên quan