M&A: Không loại trừ khi có cơ hội phù hợp
Tại ĐHCĐ, HĐQT ngân hàng cũng trình cổ đông để xin ý kiến về một loạt các chủ trương. Cụ thể, HĐQT trình cổ đông thông qua chủ trương chuyển nhượng mảng hoạt động kinh doanh của một TCTD tại Việt Nam, bao gồm tài sản và công nợ về để khai thác và kinh doanh trong hệ thống VIB.
HĐQT đề nghị ủy quyền cho HĐQT quyết định xác định danh mục các khoản tài sản và công nợ nhận chuyển nhượng; đàm phán và quyết định giá nhận chuyển nhượng; trình ơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc VIB nhận chuyển nhượng tài sản và công nợ của hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ của TCTD nói trên; thông qua nội dung hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng; quyết định thời điểm nhận chuyển nhượng.
Đồng thời, HĐQT cũng đề xuất cổ đông ủy quyền cho HĐQT thành lập, thoái vốn, giải thể công ty con với giá trị lên đến 30% vốn chủ sở hữu của ngân hàng nhưng không vượt quá 50% vốn điều lệ trong mọi trường hợp.
HĐQT cũng đề xuất cổ đông ủy quyền cho HĐQT đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại DN, tổ chức tín dụng khác lên đến 30% vốn chủ sở hữu của VIB và cũng không quá 50% vốn; Đề xuất ủy quyền cho HĐQT thông qua chủ trương mua nợ của các TCTD khác theo cơ chế thị trường về để khai thác và các khoản mua nợ tổng cộng sẽ không vượt quá 6.000 tỷ đồng…
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ
Bên lề ĐHCĐ, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “M&A một ngân hàng khác cũng là những kế hoạch được HĐQT và Ban Lãnh đạo đặt ra nhưng sẽ được thực hiện khi tìm được đối tượng phù hợp cũng như thời điểm phù hợp. Đối với việc phát triển mảng bán lẻ Ngân hàng sẽ nỗ lực tự thân và mua bán sáp nhập cũng như mua lại mảng kinh doanh của ngân hàng khác khi phù hợp".
"Cũng chưa biết khi nào có cơ hội, nhưng chúng ta đã có những cơ hội và muốn tiếp tục có cơ hội để mua bán lại mảng kinh doanh của ngân hàng khác. Thời điểm ra sao còn phụ thuộc vào thị trường”, ông Vũ cho biết.
Niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2018
Trước câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết: “Ngân hàng đang giữ vững các cam kết với cổ đông với việc đầu năm 2017 giao dịch trên UPCoM và dự kiến năm 2018 niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng, đến năm 2017, HĐQT nhận thấy việc niêm yết trên sàn chứng khoán không có lợi cho cổ đông, cần hoãn lại thêm 1-2 năm thì sẽ xin ý kiến cổ đông quyết định sau”.
Cũng liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cổ đông trước ý kiến về việc phí dịch vụ của VIB đang rất thấp, ngân hàng cần tính toán tăng phí để gia tăng quyền lợi cho cổ đông. Ông Vũ chia sẻ: “Cái gốc của hoạt động cũng như thu nhập Ngân hàng là khách hàng nên phải lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngân hàng phải giữ lấy gốc nên phải chú trọng và đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu nhưng không bỏ qua quyền lợi của cổ đông, hài hòa quyền lợi của cổ đông và room tăng phí vẫn còn”.
HĐQT nhận thấy việc niêm yết trên sàn chứng khoán không có lợi cho cổ đông, cần hoãn lại thêm 1-2 năm thì sẽ xin ý kiến cổ đông quyết định sau.
Ông Vũ cũng thông tin thêm về vấn đề NIM cao do kênh ngân hàng bán lẻ có hệ số NIM cao. Trong năm qua, tốc độ tăng trưởng của mảng bán lẻ và công nghệ số cao áp đảo. Tăng trưởng cao ở mảng kinh doanh này hỗ trợ hệ số NIM của VIB và đây tiếp tục sẽ là xu hướng năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trả cổ tức và cổ phiếu thưởng hơn 44%
HĐQT cũng trình cổ đông về kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng cũng như tăng vốn điều lệ lên trên dưới 8.000 tỷ đồng với hai phương án.
Thứ nhất, với phần lợi nhuận đã đạt được, HĐQT ngân hàng trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức và cổ thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 44,6% vốn điều lệ, trong đó dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5% (tuỳ thuộc phê duyệt của NHNN) và cổ phiếu thưởng 39,6% (bao gồm từ lợi nhuận luỹ kế 3,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).
Và phương án thứ hai đưa ra là không chia cổ tức bằng tiền mặt và tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng lên 44,6% (bao gồm từ lợi nhuận luỹ kế 8,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).
“Các phương án tăng vốn điều lệ trên nhằm chuyển đổi cho VIB một vị thế mới về quy mô vốn điều lệ, sẵn sàng đáp ứng các chỉ số an toàn về vốn và thanh khoản cho hoạt động kinh doanh”, ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính của VIB chia sẻ.
Đối với thù lao chi trả cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, thông tin tại Đại hội cho biết, căn cứ theo Nghị quyết số 02/2016/NQ-ĐHCĐ của ĐHCĐ VIB tại phiên họp thường niên 2016, ĐHCĐ đã phê duyệt tổng mức thù lao sẽ chi trả cho các Thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát (không bao gồm các thành viên là đại diện của CBA) năm 2016 là 13.900.000.000. Thù lao của các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát là đại diện của CBA sẽ do CBA chi trả.
Trên thực tế, chi phí trả cho thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2016 là 9.736.720.000 đồng.
Dự kiến, phê duyệt tổng mức thù lao sẽ chi trả cho các thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát (không bao gồm các thành viên là đại diện của CBA) năm 2017 tối đa 2% lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VIB và trong mọi trường hợp, không thấp hơn tổng mức thù lao năm 2016 đã chi trả.
Thù lao của các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát là đại diện của CBA sẽ do CBA chi trả.
Báo cáo tại ĐHCĐ cho biết, năm 2016, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 702 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch đại hội cổ đông giao; Tổng tài sản đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch; Tín dụng đạt gần 70 nghìn tỷ, tăng 25%. Các chỉ số an toàn như tỷ lệ LDR và tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt ở mức 65,6% và 47,1%, đều nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN. Hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR đạt 13,5%.
Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đặt ra 2 phương án về tăng trưởng tín dụng. Một là tín dụng tăng trưởng 16% như NHNN phê duyệt; và hai là tăng trưởng 32% như kế hoạch của lãnh đạo ngân hàng đưa ra, tùy theo phê duyệt của NHNN. Lợi nhuân trước thuế dự kiến 750 tỷ; Huy động vốn thị trường 1 đạt trên 80.000 tỷ; Tổng tài sản tăng lên mức 120.000 tỷ. Cổ tức tiền mặt dự kiến là 5,5% trên vốn điều lệ, so với mức 5% của năm 2016. CAR ở mức trên 11%.