Thưa ông, hiệu quả hoạt động quỹ ETF do VFM quản lý năm qua như thế nào?
Cuối tháng 11/2014, mức tăng trưởng trung bình của các quỹ mở do VFM quản lý là khoảng 15% và Quỹ ETF VFMVN30 đang vận hành theo bản chất của một quỹ hoán đổi, mô phỏng chỉ số VN30.
Có nhiều ưu điểm vượt trội so với quỹ đóng như giá giao dịch sát giá trị tài sản ròng (NAV), thanh khoản quỹ tốt hơn..., nhưng quỹ mở và quỹ ETF mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong hơn 1 năm trở lại đây, nên chưa được nhiều NĐT biết đến và tìm hiểu. Chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng ổn định của thị trường, nền kinh tế để có thể tự tin mở rộng kênh đầu tư này phổ biến hơn, đến được nhiều đối tượng hơn trong thời gian tới.
Năm 2015, VFM có kế hoạch ra mắt quỹ đầu tư chỉ số mới chưa, thưa ông?
NĐT cũng cần thời gian để làm quen với loại hình đầu tư này. VFM đang phối hợp với cơ quan liên quan để tăng cường kiến thức về ETF cho nhiều NĐT hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi NĐT được sử dụng công cụ margin để giao dịch chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp, cơ chế vay và cho vay chứng khoán thuận tiện hơn, sẽ giúp tăng sức hút của ETF đối với NĐT. Sau đó, chúng tôi tiếp tục cho ra đời các quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số khác khi Sở giao dịch cho ra mắt các chỉ số mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông đánh giá thế nào về bộ chỉ số HOSE-Index và hướng phát triển HOSE-Index?
Hiện nay, bộ chỉ số của HOSE chính là cơ sở hình thành nên các quỹ ETF hoặc hợp đồng tương lai chỉ số trong tương lai. Quỹ ETF nội địa do VFM quản lý đã sử dụng chỉ số VN30, bộ chỉ số được xây dựng tốt và chuẩn mực về nhiều mặt, còn các chỉ số khác thì thanh khoản của một số cổ phiếu còn hạn chế.
Để các bộ chỉ số phát triển mạnh, hiệu quả và tốt hơn, HOSE có thể điều chỉnh tỷ lệ lọc trong quy tắc để nâng thanh khoản, đẩy nhanh chỉ số ngành, phát triển các chỉ số khác như chỉ số tổng thu nhập (total return index), chỉ số nhóm cổ phiếu cổ tức cao (high dividend yield index), chỉ số nhóm cổ phiếu beta cao (high beta index) và có thể tăng tần suất thời gian điều chỉnh (review) chỉ số lên thành 1 năm 4 lần để các cổ phiếu thành phần đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến sản phẩm xây dựng theo chỉ số. Tại mỗi đợt xem xét lại (review) chỉ số tham chiếu, danh mục ETF cũng phải thay đổi theo nên có thể tạo mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (tracking error) cao, đặc biệt ở thị trường Việt Nam, thời gian thanh toán giao dịch là T+3 và quỹ ETF không được thực hiện vay và cho vay chứng khoán trong danh mục.
VFM ghi nhận như thế nào về mức độ quan tâm của thị tường đến các chỉ số?
Mới có 2 quỹ ETF nội ra đời và thời gian hoạt động quá ngắn, trong khi chưa có hợp đồng tương lai chỉ số nên sự quan tâm của NĐT trong và ngoài nước vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự kết hợp giữa công ty quản lý quỹ, các cơ quan quản lý và các thành viên liên quan trong việc đưa sản phẩm này đến nhiều đối tượng đầu tư thì sự quan tâm về chỉ số, quỹ ETF hay sản phẩm sử dụng chỉ số sẽ phổ biến hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy NĐT đang rất quan tâm về nhóm cổ phiếu với mức vốn hóa khác nhau trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, vào những thời gian đầu chu kỳ tăng trưởng thì họ thích nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thời gian giữa và cuối chu kỳ tăng trưởng, họ lại thích cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
HOSE xây dựng chỉ số phân ngành theo chuẩn quốc tế, theo ông nên chú ý điều gì?
Hiện nay, trên thế giới có nhiều chuẩn phân ngành khác nhau, vì vậy việc chọn và xây dựng chỉ số theo phân ngành nào cần được cân nhắc kỹ. Cụ thể, trước khi tính toán chỉ số ngành phải lựa chọn chuẩn phân ngành phù hợp, xem xét lợi ích của việc sử dụng chuẩn phân ngành đó... Hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới cũng như các công ty tính toán chỉ số đều sử dụng chuẩn phân ngành ICB (Industrial Classification Benchmark) hoặc GICS (Global Industry Classification Standard).
Hệ thống phân ngành chuẩn mực có ưu điểm là khuyến khích NĐT nước ngoài nhìn vào thị trường trong nước, cũng như NĐT trong nước nhìn ra thị trường thế giới và so sánh cổ phiếu với nhau theo ngành. Cách tiếp cận này tạo nên sự minh bạch và hiệu quả trong quy trình đầu tư. Vì vậy, khi xây dựng chỉ số phân ngành, tôi nghĩ, chúng ta nên có sự thăm dò ý kiến thị trường trước khi xây dựng.