Trong cuộc trao đổi cuối năm với Báo ĐTCK xung quanh câu chuyện về hoạt động quản lý quỹ, Tổng giám đốc Trần Thanh Tân chia sẻ, năm 2013 chỉ là năm khởi động, năm 2014 mới là năm bắt đầu.
Ông cảm nhận gì khi nhìn lại TTCK năm qua?
Năm 2013 cực kỳ khắc nghiệt. Hàng chục doanh nghiệp phải rời sàn vì thua lỗ. Nhiều công ty chứng khoán lần lượt đóng cửa. Không ít quỹ đầu tư phải giải thể…
Đối với VFM thì sao, thưa ông?
Trong thị trường nhiều biến động, không chỉ riêng VFM mà tất cả các doanh nghiệp đều ít nhiều chịu tác động. Tuy nhiên, việc đối mặt với thử thách thị trường của từng doanh nghiệp lại rất đa dạng.
Chúng tôi thực sự đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc thuyết phục các nhà đầu tư chuyển đổi từ các quỹ đóng sang các quỹ mở, vì mô hình quỹ mở cũng còn tương đối mới đối với họ.
Đối diện với thực tế khắc nghiệt, ông nhận thấy tín hiệu tích cực nào?
Chưa bao giờ thị trường có sự phân hoá rõ ràng như trong năm 2013. Nhà đầu tư không quá khó khăn để nhận biết cổ phiếu nào tốt, cổ phiếu nào xấu. Những doanh nghiệp trụ lại được sẽ tự tin hơn khi bước vào năm 2014. Đó là yếu tố tích cực.
Chúng tôi cũng nhận thấy nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã chuyển biến tốt hơn trong nửa cuối của năm. Phải thừa nhận những gì Chính phủ đã làm trong năm qua để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là rất lớn, được các tổ chức tài chính thế giới đánh giá cao.
Liệu bức tranh kinh tế năm 2014 có “hồng” như một số phân tích, nhận định gần đây không, theo ông?
Nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế cần được giải quyết triệt để hơn, tuy nhiên, có thể nói nền kinh tế đang vượt qua giai đoạn khó khăn và trên đà phục hồi.
Minh chứng cho điều này là lạm phát đang được kiểm soát tốt ở mức 6%, sản xuất công nghiệp có xu hướng mở rộng trong 4 tháng vừa qua, cán cân thương mại năm 2013 thặng dư gần 1 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng từ 25 tỷ USD (năm 2012) lên hơn 32 tỷ USD.
Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, cả vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) đều tăng mạnh. Cụ thể, năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 276 triệu USD trên sàn HOSE, tăng 80% so với năm 2012; mức vốn FDI cam kết là 21,6 tỷ USD, thực hiện là 11,5 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam đang ráo riết đàm phán với các đối tác về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu hiệp định này được ký kết, đây sẽ là một trong những điểm sáng quan trọng tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Có ý kiến cho rằng, chứng khoán sẽ kênh đáng giá để đầu tư trong năm 2014. Quan điểm của ông thế nào?
Bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang có nhiều chỉ dấu rằng, cổ phiếu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2014. Kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang có xu hướng phục hồi tốt hơn và việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ giảm gói kích thích kinh tế (QE3) tiếp tục gây áp lực giảm giá đối với vàng.
Thị trường bất động sản cho dù có dấu hiệu tích cực từ phía chính sách, nhưng những giao dịch gần đây tập trung vào các dự án ở phân khúc rất cao (như Vincom Center, Tòa nhà Gemadept), hoặc phân khúc thấp (như Ehome), trong khi phần lớn hàng tồn kho ở khu vực cao cấp chưa được giải tỏa nhiều. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh xuống 6 - 7%/năm, từ mức xấp xỉ 10%/năm hồi cuối năm 2012.
Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014. Bức tranh thị trường có sáng có tối, nhưng sáng sẽ nhiều hơn tối. Có lẽ, nhiều người cũng chia sẻ quan điểm này với chúng tôi.
Quan sát việc thành lập các quỹ mở gần đây cho thấy, quy mô mỗi quỹ phổ biến ở mức 50 tỷ đồng, vừa bằng mức vốn pháp định. Mọi người vẫn khá thận trọng, nhưng nhìn chung, có thể nói giai đoạn khắc nghiệt nhất đã qua.
Theo ông, những lĩnh vực nào có triển vọng nhất để đầu tư?
Với vai trò là nhà quản lý quỹ, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất và có hoạt động dựa vào sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu đã đạt kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn các doanh nghiệp dịch vụ, ngân hàng và tài chính trong ba năm vừa qua.
Điều này phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Từ đó, năm 2014 được kỳ vọng tiếp tục chứng kiến triển vọng của các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu thuộc lĩnh vực năng lượng, hàng tiêu dùng, dược phẩm, vật liệu, tiện ích.
Ngoài ra, một số chính sách mới về bất động sản sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp ngành này trong năm 2014. Bên cạnh đó, sự hồi phục từ đáy, xét về hoạt động và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng là những cơ hội đầu tư tốt.
Vậy kế hoạch của VFM trong năm tới như thế nào?
Theo tôi, cũng như đối với thị trường chứng khoán nói chung, năm 2014 sẽ là năm VFM tích lũy và chuẩn bị để đón đầu cho sự bùng nổ vào những năm tiếp theo.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Việc thành lập quỹ trái phiếu VFB là tiền đề để chúng tôi có thể mở ra các quỹ hưu trí bổ sung, quỹ chỉ số… Công ty Dragon Capital đã rất thành công trong các lĩnh vực này và VFM may mắn được thừa hưởng những thành quả đó.
Ngoài ra, VFM đang ráo riết chuẩn bị hồ sơ pháp lý, con người, cơ sở vật chất… để xây dựng quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-traded fund - ETF) và hy vọng sẽ sớm ra mắt quỹ này trong năm 2014.
Chúng tôi có cả chuỗi các sản phẩm về quỹ để thực hiện triển khai trong 3 - 5 năm sắp tới. Năm 2013 chỉ là năm khởi động, năm 2014 mới là năm bắt đầu.
Vì sao VFM không tập trung làm tốt những gì mình đang có, sau đó mới mở rộng thêm?
Các quỹ hiện tại được quản lý khá bài bản, hiệu quả tương đối tốt. VFM tự tin và có đủ năng lực để làm nhiều hơn. Luôn xác định mình là người đi đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ, nên ngay khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành cơ chế hoạt động của quỹ mở, VFM là đơn vị đầu tiên tìm hiểu và chuyển đổi thành công toàn bộ các quỹ đóng do Công ty quản lý sang quỹ mở.
UBCK cũng đang chuẩn bị ban hành nhiều chính sách mới, trên cơ sở đó, VFM sẽ tiếp tục tinh thần tiên phong trong việc nghiên cứu và đầu tư để cho ra đời các sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Có chỗ để đầu tư không khi mà VFM định thành lập nhiều quỹ như thế? Đấy là chưa kể các quỹ khác trên thị trường?
Việc cho ra đời các quỹ mới sẽ theo sát tình hình thị trường, chứ không thể thực hiện một cách chủ quan. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược Boston Consulting Group, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu và giàu có. Đó là con số rất có ý nghĩa đối với những người quản lý quỹ như chúng tôi.
Theo Sách dữ kiện ICI (ICI Factbook), ở Mỹ, số lượng hộ gia đình đang sở hữu chứng chỉ quỹ mở chiếm 44,4%, tương đương 53,8 triệu hộ gia đình. Điều này cho thấy, quỹ mở là xu hướng tất yếu của ngành quản lý quỹ và ở Việt Nam cũng cần phát triển loại hình quỹ mở đối với nhà đầu tư cá nhân cũng như hộ gia đình để mang lại kết quả tương tự.
Chỉ trong vòng vài tháng mà thị trường đã có hàng chục quỹ mở. Nhiều quỹ mở khác cũng đang chờ để ra mắt. Ông có ý kiến gì về xu hướng này?
Việc các công ty quản lý quỹ liên tục thành lập các quỹ mở trong thời gian gần đây chứng tỏ đây là xu hướng chung của thị trường. Khi có nhiều đối tượng tham gia, nhiều quỹ mở được thành lập sẽ hỗ trợ thị trường phát triển, cạnh tranh hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhà đầu tư được chăm sóc chu đáo hơn và có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu đầu tư đa dạng của mình.
Ở một khía cạnh khác, các quỹ mở ra đời càng nhiều sẽ tăng cường khả năng thu hút vốn nhàn rỗi trong và ngoài nước. Và chính những quỹ này sẽ là nền tảng tạo nên nguồn cầu trên TTCK, đồng thời, gián tiếp kích thích TTCK Việt Nam phát triển một cách an toàn và bền vững.