Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C: Việt Nam cần tạo sự khác biệt trong thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C Bruno Jaspaert cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt và thành công nhưng cần tạo sự khác biệt trong việc định hướng, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó xu hướng Trung Quốc +1 sẽ có những thay đổi khi Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những gói kích thích kinh tế liên quan đến việc giảm thuế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Dòng vốn từ các nước khác vào Việt Nam liệu có bị phân tán, khi mà Ấn Độ cũng nổi lên là một thị trường có sức hút với các nhà đầu tư? Vậy cơ hội để cho Việt Nam đón nhận dòng vốn mới này như thế nào?

Các diễn giả chia sẻ các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Các diễn giả chia sẻ các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Chia sẻ tại phiên thảo thuận "Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới" của Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho rằng: “Việt Nam không nhất thiết cần phải cạnh tranh với Trung Quốc, mà nên tạo sự khác biệt với Trung Quốc”.

Ông Bruno chia sẻ, DEEP C đã nhiều lần làm việc và thấy nhiều nhà đầu tư vào Trung Quốc, Việt Nam chỉ cần phần nhỏ trong đó thôi là đã đủ cho thị trường Việt Nam.

“Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng tốt và ổn định. Việt Nam không cần phải cạnh tranh với Trung Quốc và hãy có điểm nhấn riêng. Việt Nam hiện đang có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nên chăng, Việt Nam chỉ cần thay đổi điều đó thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với Trung Quốc”, ông Bruno nhấn mạnh.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.

Hiện tại, khẩu vị các nhà đầu tư rất cao và đều có những lựa chọn riêng. Dù nhiều nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhưng đây vẫn là công xưởng lớn của thế giới. Nhưng theo ông Bruno, “rõ ràng, Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1 này”.

Về mặt logistics và chuỗi cung ứng, sắp tới sẽ có đường cao tốc kết nối Trung Quốc với Việt Nam. Đây sẽ là một “bom tấn”, là giải pháp về logistics rất hiệu quả. Sẽ không cần phải quá vất vả để vận tải bằng đường biển hay chờ đợi container, mà chỉ cần thông qua giao thông đường bộ để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc.

Và vì thế, ngoài việc cải thiện chi phí logistics, ông Bruno còn nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung vào chính sách để hút dòng vốn.

"Theo tôi, chúng ta cần phải thu hút và đầu tư để phát triển môi trường sống, phát triển dịch vụ, thương mại. Để không chỉ các dự án mà cả con người cũng muốn đến và ở lại Việt Nam. Như thế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đa dạng và tác động tốt hơn nữa tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Các diễn giả của Phiên 1 - Tháo gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới của Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 nhận kỷ niệm chương của Ban Tổ chức.
Các diễn giả của Phiên 1 - Tháo gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới của Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 nhận kỷ niệm chương của Ban Tổ chức.

Chia sẻ về hiệu quả kinh doanh của DEEP C tại Việt Nam, ông Bruno cho biết, hiện danh mục đầu tư của đơn vị này có sự tăng trưởng liên tục. Trong 2 năm chịu tác động của Covid-19, danh mục đầu tư của DEEP C còn tăng gấp đôi, và hiện tại cũng đang có xu hướng tăng mạnh.

Hiện một dự án mới vào DEEP C thì cần khoảng một năm để đi vào hoạt động.

“Tôi đồng ý là hiện vẫn còn có những vướng mắc về chính sách hay hạ tầng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, hay triển khai các dự án, nhưng tôi cho rằng các nhà phát triển hạ tầng như chúng tôi luôn phải sẵn sàng các giải pháp, các sản phẩm, các tiện ích để cung cấp cho các nhà đầu tư thứ cấp. Việc hợp tác với BW để phát triển nhà xưởng xây sẵn cũng là một trong rất nhiều giải pháp mà DEEP C đã và đang thực hiện”, ông Bruno chia sẻ.

Tin bài liên quan