Phát hành thêm hơn 31 triệu cổ phiếu từ tháng 9/2021, vì sao TEG đến nay chưa niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu này, thưa ông?
Năm 2021, TEG tăng vốn để mua lại Công ty Năng lượng Trường Thành (TTP). Theo quy định tại Nghị định 155 (có hiệu lực từ 1/1/2021), thì trường hợp TEG là trường hợp cơ cấu lại công ty niêm yết. Do đó, để niêm yết bổ sung cổ phần phát hành mới, TEG phải nộp báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước, cùng hồ sơ niêm yết khác theo quy định. Tuy nhiên, mẫu báo cáo này lại phải đợi thông tư hướng dẫn ban hành.
Thời điểm tháng 9/2021, Thông tư này đã có dự thảo nên TEG đã chủ động phối hợp cùng công ty kiểm toán lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước (theo mẫu dự thảo) và nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), đồng thời cũng gửi công văn xin ý kiến UBCKNN. Tuy nhiên, HOSE có phản hồi lại là cần đợi Thông tư chính thức có hiệu lực thì mới có cơ sở để chấp thuận niêm yết bổ sung. Chúng tôi cũng đã giải thích nguyên nhân chậm niêm yết bổ sung cho các cho cổ đông tại ĐHCĐ vừa rồi.
Ngày 14/2/2022, Thông tư nêu trên đã được ban hành chính thức (Thông tư số 10/2022/TT-BTC), nhưng ngày hiệu lực từ 1/4/2022. Hồ sơ niêm yết bổ sung trong ngày 4/4 sẽ được nộp tới HOSE.
Như vậy, số lượng cổ phiếu phát hành này sắp được giao dịch?
Với thông tin như trên, TEG kỳ vọng sớm thì trong tháng 4, muộn thì đầu tháng 5 cổ phiếu mới sẽ được niêm yết.
Ông Hoàng Mạnh Huy, Tổng giám đốc TECGROUP |
Được biết, một số nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm vừa qua, do kế hoạch tài chính cá nhân, đã phải có thỏa thuận bán lại cho cán bộ nhân viên TEG với giá 13.000 đồng/CP, cao hơn giá trúng đấu giá bình quân. Đâu là những yếu tố để nội bộ doanh nghiệp quyết định mua với giá cao hơn?
Tôi xin đính chính là có cổ đông muốn gia tăng sở hữu tại TEG nên đã thỏa thuận mua lại từ cổ đông khác (trúng đấu giá). Tất nhiên, việc giao dịch chính thức chỉ được thực hiện sau khi cổ phiếu được niêm yết. Cổ đông muốn gia tăng sở hữu vì họ tin tưởng vào chiến lược của TEG và muốn đồng hành lâu dài.
Kế hoạch kinh doanh 2022 được TEG đặt ra dựa trên những cơ sở nào?
Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các dự án năng lượng và bất động sản mà TEG và cổ đông lớn - Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) đang triển khai (đã có quyết định chủ trương đầu tư). Như anh Kiên (ông Đặng Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT TEG) đã chia sẻ tại ĐHCĐ 2022, chúng tôi tin tưởng nếu không có những biến cố lớn về vĩ mô, thì TEG hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch. Theo thông tin mới nhất, Quy hoạch điện 8 sẽ sớm được phê duyệt trong thời gian tới, và đây là cơ sở để TEG đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Công ty có kịch bản hay giải pháp dự phòng nào không nếu các yếu tố bất định của môi trường kinh doanh thay đổi, ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Rút kinh nghiệm các năm trước, chúng tôi đã có kế hoạch dự phòng và giải pháp ứng phó linh hoạt trong thời gian tới cho các biến cố vĩ mô.
Trong chiến lược dài hạn, TEG đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp như thế nào, nhất là sau đợt tăng vốn 2022 này?
TEG vẫn nhất quán phát triển doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản. Ngoài việc tham gia với vai trò chủ đầu tư, TEG cũng sẽ tham gia với vai trò nhà thầu ở 2 lĩnh vực này để từng bước nâng cao thương hiệu doanh nghiệp. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ cổ đông lớn TTVN Group với hàng loạt dự án lớn (dự án lớn nhất có kế hoạch phát triển đến năm 2040) là cở sở để TEG phát triển trong trung và dài hạn.