Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn: “Quản trị ngân hàng đòi hỏi tầm cao mới”

(ĐTCK) Kể từ thời điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển sang mô hình ngân hàng 2 cấp, sau hơn hai thập niên phát triển và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước sau đổi mới, các NHTM Việt Nam đang đứng trước nhu cầu nội tại phải tái cơ cấu toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh. Nhu cầu này là cấp bách nhất ở một số TCTD được NHNN Việt Nam “điểm mặt, chỉ tên”, nhưng cũng tồn tại ở những TCTD còn lại, với các mức độ khác nhau.
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn: “Quản trị ngân hàng đòi hỏi tầm cao mới”
Quá trình tái cơ cấu nói trên đặt ra, thậm chí là đòi hỏi, những kỹ năng về quản trị ngân hàng ở một tầm cao mới. Về thực chất thì có thể xem tái cơ cấu, tái cấu trúc là một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và liên tục, với những thách thức lớn dành cho các nhà quản trị ngân hàng. Do đó, quản trị ngân hàng ở Việt Nam không chỉ đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng quản trị tài chính thông thường, mà còn đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về thực tiễn ngành tài chính ngân hàng trong giai đoạn hiện tại. Có thể xét đến một vài vấn đề và thách thức lớn về mặt thực tiễn, mà các nhà quản trị ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phải đối diện, như sau:

Một là, quản trị ngân hàng đòi hỏi những yêu cầu mang tính hệ thống khá mới mẻ so với trước đây. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các TCTD phải rà soát và tái cơ cấu mô hình hoạt động/quản lý, trong đó chuyển từ cơ cấu quản lý phân tán sang quản lý tập trung. Trên cơ sở bộ máy tổ chức mới đó, các yếu tố con người, công nghệ, việc phân chia trách nhiệm giữa Hội sở và các đơn vị kinh doanh đều cần được xem xét và điều chỉnh lại sao cho phù hợp. Thực tiễn này đòi hỏi nhà quản trị phải linh hoạt hơn, có những tư duy mới mẻ hơn khi tác nghiệp.

 
Chỉ vài năm trước đây thôi, khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, thị trường tài chính sôi động và phát triển, việc trao quyền cho các đơn vị kinh doanh (các chi nhánh, phòng giao dịch…) nhằm hướng tới tăng trưởng và mở rộng thị phần, quy mô… phần nào được ưu tiên. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại thì đa phần các ngân hàng lại có xu hướng cẩn trọng và quản lý tập trung hơn, do đó gánh nặng quản lý lại dồn về Hội sở. Làm thế nào để cân bằng giữa bộ máy quản lý tập trung tại Hội sở, với xu hướng dễ dàng trở nên quan liêu và cồng kềnh, với tính năng động và phức tạp của đội ngũ kinh doanh, bán hàng và chăm sóc khách hàng tại các chi nhánh, phòng giao dịch… luôn luôn là một nhiệm vụ khó khăn với nhà quản trị ngân hàng.

Điều này đặc biệt thách thức với các TCTD Việt Nam, khi trình độ của đội ngũ lao động còn nhiều chênh lệch ngay trong từng đơn vị, đồng thời việc tuân thủ các quy định và chính sách nội bộ không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách đồng nhất trên toàn tổ chức. Ngoài ra, nhà quản trị cũng cần phải tính đến khả năng nâng cấp hệ thống quản lý hiện tại theo hướng “xử lý tập trung, kinh doanh phân tán”, cân bằng hài hòa giữa Hội sở và các đơn vị kinh doanh trong thời gian sắp tới, khi nền kinh tế thoát hẳn khỏi giai đoạn suy thoái và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Hai là, những yêu cầu liên quan đến quản trị rủi ro. Trong ngành tài chính ngân hàng, yếu tố tín nhiệm và đạo đức nghề nghiệp luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cho mọi kết quả trong hoạt động kinh doanh. Trong những năm gần đây, nền kinh tế trải qua suy thoái và trì trệ do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, đồng thời môi trường pháp lý và chính sách của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam cũng liên tục có những thay đổi, do đó nguy cơ rủi ro về đạo đức, rủi ro tác nghiệp, rủi ro pháp lý… là rất lớn.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, hình ảnh “xấu xí” về các CBNV ngân hàng vi phạm quy định của pháp luật, của ngành, vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh… ngày một nhiều, gây ra cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội đối với ngành ngân hàng nói chung. Vì thế. quản trị ngân hàng ngày nay không thể bỏ qua quản lý rủi ro với những nhiệm vụ hết sức phức tạp, tế nhị và đa dạng của nó.

Trong bối cảnh NHNN chưa ban hành những quy định chi tiết về các mảng quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, bản thân mỗi TCTD và các nhà lãnh đạo TCTD đều phải nghiên cứu thật kỹ thực trạng rủi ro đặc thù tại đơn vị, từ đó đưa ra một khẩu vị rủi ro thích hợp trong từng giai đoạn kinh doanh cụ thể. Trên cơ sở khẩu vị rủi ro đã được xác lập, nhà lãnh đạo mới có thể đưa ra những chiến lược và thực hành quản lý rủi ro một cách chi tiết, sau đó tiến hành triển khai và giám sát những thực hành đó. Có thể nói, quản lý rủi ro chính là khía cạnh rất “nóng” hiện nay, là nơi mà tính thực tiễn của quản trị ngân hàng được thể hiện rõ ràng và sinh động nhất.

Ba là, những yêu cầu liên quan đến việc đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn về quản trị ngân hàng theo các thông lệ quốc tế, chẳng hạn như các yêu cầu về vốn, các tỷ lệ an toàn hoạt động, mức trích lập dự phòng rủi ro… theo Basel II. Thực tiễn này đòi hỏi các TCTD và những nhà quản trị phải có những đầu tư nhất định về con người, công nghệ, cơ sở vật chất, do hiện nay những nguồn lực của TCTD Việt Nam liên quan tới việc đáp ứng yêu cầu của thông lệ quốc tế còn khá hạn hẹp.

Cùng với quá trình hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế trong nước vào nền kinh tế toàn cầu, ngành ngân hàng cũng cần tự mình nâng cấp các phương pháp quản trị nội bộ, trước mắt là đáp ứng và vượt quá các yêu cầu luật định trong nước (các văn bản của NHNN và các ban ngành liên quan), sau đó mới dần tiệm cận với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế. Tuy trước mắt, nhiệm vụ này có thể chưa cấp bách, song rõ ràng đây cũng là một thực tiễn mà những người làm quản trị NHTM không thể bỏ qua, mà phải chuẩn bị dần những phương án và nguồn lực để tiến tới đáp ứng những yêu cầu cao hơn theo thông lệ quản trị quốc tế như đã nói ở trên.

Bốn là, những vấn đề mới mẻ của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, như các thương vụ sáp nhập, hợp nhất, những thay đổi trong cơ cấu sở hữu và đội ngũ lãnh đạo điều hành các TCTD diễn ra với mức độ thường xuyên hơn nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay mạnh mẽ hơn trước kia nhưng cũng nảy sinh nhiều sự kiện chưa có tiền lệ, hàm chứa những rủi ro về thông tin, truyền thông… đòi hỏi ứng xử linh hoạt của nhà quản trị.

Ngoài ra, việc duy trì và phát triển văn hóa tổ chức, hình ảnh thương hiệu, chiến lược dài hạn… qua những thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu và bộ máy lãnh đạo cũng là một thách thức lớn trong công tác quản trị ngân hàng gần đây, khi các nhà lãnh đạo và quản lý phải liên tục nghiên cứu, tìm hiểu tình hình nội tại của tổ chức, tìm ra những phương cách thích hợp để hạn chế tối đa những xung đột về văn hóa, những rắc rối nảy sinh về mặt nhân sự và sự kế thừa trong đội ngũ lãnh đạo… Giai đoạn với nhiều thay đổi này được kỳ vọng sẽ sớm qua đi, sau đó ngành ngân hàng sẽ bước vào một giai đoạn ổn định mới để tiếp tục tăng trưởng.

Năm là, những ứng dụng CNTT trong công tác quản trị điều hành ngân hàng. Nhà quản trị ngân hàng hiện đại cần nâng cao những kiến thức của bản thân về CNTT để có thể ứng dụng những tiện ích này vào công tác quản trị điều hành hàng ngày, vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc. Vai trò của công nghệ trong cạnh tranh càng lúc càng tăng cao trong ngành ngân hàng, vì thế nhà quản trị cần ý thức rõ thực tiễn này để có những chuẩn bị thích hợp, không chỉ cho TCTD mà họ đang dẫn dắt, mà cho cả chính các thành viên lãnh đạo tổ chức đó.

Tóm lại, do những đặc thù của ngành và tầm quan trọng trong nền kinh tế, ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây tiếp tục nằm ở tuyến đầu của những cải cách, thay đổi mang tính chiến lược. Quản trị ngân hàng ngày nay không chỉ bao gồm những nhiệm vụ truyền thống hay những công việc tác nghiệp hàng ngày, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết kỹ càng và sâu rộng về thực tiễn của ngành, về những thay đổi trong luật lệ, chính sách, quy định của các cơ quan quản lý, sự quan tâm cao độ tới quản lý rủi ro, quản lý sự thay đổi, văn hóa DN…

Những thực tiễn mới mẻ của môi trường kinh doanh nói chung, của bản thân từng TCTD nói riêng, luôn đặt ra những thách thức gay gắt cho nhiệm vụ của nhà lãnh đạo, nhà quản trị các NHTM.

Để vượt qua những thách thức đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành liên quan, các chủ sở hữu, đối tác và khách hàng, sự nỗ lực tự thân của các nhà lãnh đạo và quản trị ngân hàng là vô cùng quan trọng. Họ phải nhận thức rõ tầm quan trọng của công việc quản trị ngân hàng đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế, từ đó luôn theo dõi sát sao tình hình thực tiễn của thị trường, khách hàng và bản thân ngân hàng mà họ đang quản trị, kết hợp với những kiến thức và thông lệ quản trị truyền thống để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc rất nặng nề này.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan