1. Bất cứ một buổi chiều cuối tuần nào cũng có thể gặp ông Lượng ngồi ôm cần câu tại một hồ bình dân nào đó ở Hà Nội. Sở thích của ông, nhưng cũng là cách để ông bình tâm suy nghĩ.
Ông Lượng đã qua tuổi 60, nhưng nét mặt phúc hậu, bình dị vẫn không thay đổi nhiều so với hơn 40 năm trước, khi ông là người lính tham gia đánh Mỹ ở chiến trường Quảng Trị. Nên cũng dễ hiểu cách điều doanh nghiệp với phong cách đầy chất lính của ông với Phong Châu Group, với cách đi chậm, khiêm nhường, nhưng chắc chắn.
Phong Châu là công ty nhỏ, chuyên làm thương mại về giày dép, bao bì, đúc cơ khí. Với 20 nhân viên làm việc chính tại văn phòng, doanh thu xuất khẩu mỗi năm hiện đạt khoảng 7 triệu USD. Ông kỳ vọng trong vòng 2 năm tới con số này sẽ lên tới 10 triệu USD.
Ông Lượng không suy nghĩ nhiều lắm về các con số này, vì ông nghĩ, công ty to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là ông đã và đang góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho công nhân từ các nhà máy liên doanh, liên kết thông qua các đơn hàng ông mang về từ thị trường châu Âu, Nhật Bản. Thậm chí, nhỏ mà phát triển ổn định trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay đối với ông là mãn nguyện, vì quy mô không đến nỗi cồng kềnh để ông phải quá lo lắng, nhưng có thể năng động, nắm bắt xu thế sản xuất…
Với nhiều người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Việt Nam, Phong Châu là cái tên khá mới mẻ và kín tiếng, dù tồn tại 22 năm qua. Thời gian vừa rồi, ông chỉ mải mê xuất khẩu. Hơn một năm trở lại đây, khi thấy đã đủ mạnh, ông mới quyết định quay về thị trường trong nước. Sự lựa chọn ngành nghề cốt lõi của ông cũng khá đặc biệt, cả ba lĩnh vực giày dép, đúc, gia công kim khí, bao bì đều là cốt lõi của Phong Châu Group.
“Tôi không có ý định chọn hay bỏ ngành nào, vì luôn nhìn thấy các cơ hội trong ngành đó”, ông nói.
Hiện giờ, nhắm vào thị trường hơn 93 triệu người tiêu dùng trong nước đang là hướng đi tốt mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu lựa chọn. Phong Châu cũng vậy. Ông Lượng đang bắt đầu xây dựng thị trường và đăng ký thương hiệu giày vải cao cấp thời trang dành cho thanh niên.
Điều bất ngờ và cũng là cơ hội, khi sản phẩm quần áo phong cách thời trang cổ điển, thiết kế giày theo phom mẫu của Pháp, các nước châu Âu của Phong Châu mà ông chọn lại được giới trẻ trong nước chuộng. Thương hiệu đã xây dựng hệ thống phân phối quan kênh bán lẻ hiện đại của Vincom, Vinmart, các trung tâm thương mại ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Hiện Lotte đang muốn thương lượng để đặt các mẫu bán tại các siêu thị ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc này không đơn giản với ông Lượng. Bán hàng theo đơn lớn cho các khách nước ngoài dễ hơn, vì mọi việc có đối tác lo, nhưng khi đặt chân về thị trường trong nước, ông buộc phải học về bán buôn, bán lẻ. Ông đã từng mở cửa hàng riêng, nhưng thấy không hiệu quả bằng việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác. Hơn thế, thị trường tiêu dùng trong nước hiện nay rất đa dạng, nên ông cũng không đặt tham vọng chiếm thị phần lớn, chỉ chiếm tỷ lệ nhất định để có chỗ đứng trên thị trường.
Ông vẫn nghĩ theo đúng cách của người lính, quan trọng nhất là phải đạt chất lượng: giày êm, đẹp, bền, giá cả cạnh tranh. Phong Châu chọn phân khúc giày vải thể thao sử dụng 100% nguyên liệu trong nước. Thiết kế phần lớn vẫn dựa vào nước ngoài được cải tiến theo trong nước.
Còn lĩnh vực bao bì cũng nhằm tiếp cận các đơn hàng số lượng lớn, cung cấp túi cho hệ thống siêu thị ở Mỹ, Mexico. Đây là mảng thị trường rất tiềm năng vì thời kỳ nào cũng dùng bao bì, có cải tiến theo xu hướng bảo vệ môi trường.
Trong ngành đúc, cơ khí cũng đang xuất hiện làn sóng dịch chuyển lĩnh vực này từ Nhật Bản sang Việt Nam. Hiện, Phong Châu đã gia công làm các kệ để hàng, kệ tủ lạnh, nhà bếp cho doanh nghiệp Nhật Bản. Ông kỳ vọng năm 2017, Phong Châu sẽ trở thành đối tác gia công kim khí cho LG khi họ đẩy mạnh nội địa hóa chi tiết, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
2. Ông Lượng khẳng định, so với các doanh nghiệp làm thương mại ở quy mô giống như Phong Châu, ông là số không nhiều doanh nghiệp chăm đi hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm đơn hàng mới. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Phong Châu sẽ bằng mọi cách hưởng lợi từ các hiệp định này mang lại.
“Tôi mong đợi nhiều vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi đó, thuế xuất vào thị trường Mỹ và Mexico về 0%. Cùng với đó, tôi sẽ nhập hàng giày dép từ Hàn Quốc về hưởng thuế xuất 0% từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc để làm phong phú về nguồn hàng cho người tiêu dùng trong nước”, ông nói.
Đã quá nhiều người nói đến TPP, nhưng doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc được hưởng lợi gì từ những dòng thuế này. Phong Châu không phải là ngoại lệ. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ không dễ tận dụng cơ hội vì các ràng buộc xuất xứ nguyên liệu, nên sẽ có sự sàng lọc lớn.
Trong cuộc chơi đó, Phong Châu đặt nhiều kỳ vọng vào Mỹ, bởi thị trường này có nhu cầu mua sắm lớn, Phong Châu luôn cố lấy được đơn hàng lớn, nhưng chưa được vì những đòi hỏi khắt khe từ những đối tác lớn. “Trước, đây, chúng tôi theo đuổi đối tác Nhật Bản, giờ Mỹ cũng vậy, chúng tôi đặt quyết tâm cao. TPP là một lợi thế. Chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi điều kiện để đến năm 2018, khi TPP có hiệu lực là “bập” được ngay”, ông khẳng định.
Còn thị trường AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN), ông nghĩ sẽ khó tận dụng cơ hội bởi cơ cấu hàng hóa ở các nước khá tương đồng. Để thâm nhập vào thị trường của nhau không phải dễ, doanh nghiệp nhỏ phải tìm mặt hàng nào có cơ hội, lợi nhuận, triển vọng thì làm.
“Chiến thuật vẫn là “đổ bê tông” những cái mình đang có. Cố gắng là doanh nghiệp nhỏ đi chậm, chắc. Cơ hội lúc nào cũng có, nhưng quan trọng là phải tìm kiếm cơ hội mới để phát triển, nâng chất lượng, giữ uy tín”, ông chia sẻ
3. Vị doanh nhân - thương binh hạng 4 này khởi nghiệp kinh doanh đầu đời bằng vị trí trưởng phòng xuất nhập khẩu tại Tổng công ty Da Giày Việt Nam gần 30 năm trước.
Sau khi rời chiến trường, ông về học Đại học Ngoại thương vào những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và là một trong số 20 “chiến sĩ” đầu tiên cùng với Bộ Công nghiệp nhẹ (nay Bộ Công thương) thành lập Tổng Công ty này.
Đi làm kinh doanh, lại có cơ hội làm việc với một số đối tác là doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM, ông lại thấy cách thức làm ăn của tư nhân hợp hơn, thuận hơn so với doanh nghiệp nhà nước mà ông đang làm. Đây là một trong những lý do kéo ông ra khỏi môi trường doanh nghiệp nhà nước, quyết trí thành lập công ty của mình với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Phong Châu – một huyện tỉnh Phú Thọ (quê hương ông) được chọn làm tên công ty này.
Ông đưa được những gì chắt lọc từ môi trường nhà nước, từ các nội dung được đào tạo khá căn bản thời điểm đó vào Phong Châu. Cộng với chất lính đậm đặc trong ông, Phong Châu có sự khác biệt trong điều hành ngay từ những ngày đầu.
“Làm kinh doanh như đi đánh trận, phải nghiên cứu kỹ, kịp thời, quyết đoán, không hoành tráng, nhưng phải bài bản. Thế mà tôi cũng không ít lần phải trả giá vì chất lính kiên quyết, dứt khoát đó, khi cứ theo đuổi đầu tư vào vài ngành hàng mấy năm mà không thắng”, ông chia sẻ.
Ông giỏi làm thương mại và muốn gắn bó với sản xuất, nhưng trải qua kinh doanh mấy chục năm ông quyết định không đầu tư nhà máy sản xuất vì không đủ kinh nghiệm quản lý. Ông đã chọn cách liên kết, gắn bó với bạn bè, doanh nghiệp đối tác qua các giao kết quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng. Điều tiên quyết ông Lượng luôn đặt ra trong mỗi quyết định hợp tác là tạo công ăn việc làm cho người lao động và uy tín, trách nhiệm của mỗi bên…
Ông nói, cách làm việc này ông học ở mô hình kinh doanh của người Nhật. Chính sự tôn trọng nhau, kỷ luật bền… của các bên khiến công việc kinh doanh trở thành niềm vui.
Đến giờ, mỗi ngày trôi qua, ông vẫn mong trời sáng để đi làm.