2 quý đầu năm 2015, STT lỗ 12,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 39 tỷ đồng

2 quý đầu năm 2015, STT lỗ 12,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 39 tỷ đồng

Tổng giám đốc “ngoại” dẫn STT xuống vực?

(ĐTCK) Những mẫu thuẫn trong nội bộ CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) vẫn chưa chấm dứt. Một thành viên HĐQT đã đệ đơn khởi kiện STT trong bối cảnh Công ty đang lỗ lũy kế.

Bất ngờ bổ nhiệm lại vị trí Phó tổng giám đốc

Ngày 28/9, STT công bố thông tin trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) với nội dung, sẽ tạm ngưng việc thực hiện Nghị quyết HĐQT và quyết định bổ nhiệm nhân sự Ban Tổng giám đốc của Công ty.

Thông tin trên được công bố sau khi Tòa án nhân dân TP. HCM có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hồng, cổ đông nắm 21,8% vốn, thành viên HĐQT STT đã đệ đơn khởi kiện Công ty và có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Sau khi xem xét đơn yêu cầu và các chứng cứ, Tòa án nhân dân TP. HCM cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm đương sự thực hiện hành vi nhất định là cần thiết. Do đó, Tòa án đã yêu cầu STT không được thực hiện Nghị quyết HĐQT ngày 5/8/2015 và Quyết định số 16 của HĐQT Công ty. Quyết định này của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (18/9/2015) và được duy trì cho tới khi Tòa án có quyết định khác.

Được biết, STT công bố Nghị quyết HĐQT ngày 5/8/2015 và Quyết định số 16 của HĐQT trên HOSE, bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Hà vào chức vụ Phó tổng giám đốc STT. Trước đây, ông Phạm Tuấn Hà đã từng đảm trách vị trí Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng hoạt động dịch vụ xe taxi.

Tháng 9/2014, ông Kakazu Shogo, người Nhật, được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc STT và sau đó, ông Kakazu Shogo đã có quyết định phân công lại công tác trong Ban Tổng giám đốc. Ông Hà là Phó Tổng giám đốc phụ trách thu hồi công nợ.

Đến tháng 4/2015, ông Phạm Tuấn Hà có đơn xin nghỉ công tác, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Ông Kakazu Shogo đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hà từ ngày 1/5/2015.

Tuy nhiên, đến ngày 5/8/2015, khi STT họp HĐQT thì ông Hà bất ngờ được bổ nhiệm trở lại vị trí Phó tổng giám đốc. Quyết định này và Nghị quyết HĐQT trước đó đã không được các thành viên HĐQT thống nhất, từ đó dẫn đến việc khởi kiện.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, cuộc họp HĐQT ngày 5/8/2015 có nội dung liên quan đến việc giải quyết các kiến nghị của người lao động; bán và thuê lại xe taxi; mua cổ phiếu CTCP Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex (PGT); sắp xếp nhân sự.

Trong cuộc họp này, ông Phạm Tuấn Hà xuất hiện với tư cách là người ủy quyền của ông Takashi Yano, thành viên HĐQT STT.

Nhận thấy giấy ủy quyền này không phù hợp với quy định pháp luật nên hai thành viên HĐQT người Việt Nam không chấp nhận, yêu cầu tạm hoãn cuộc họp. Ba thành viên của Ban kiểm soát cũng có chung ý kiến như trên.

Tuy nhiên, ông Ryotaro Ohtake, Chủ tịch HĐQT (tham gia họp trực tuyến) và ông Kakazu Shogo đã dùng quyền biểu quyết để công nhận giấy ủy quyền của ông Takashi Yano cho ông Phạm Tuấn Hà.

Không nhận được sự nhất trí hoãn họp, hai thành viên HĐQT người Việt Nam và Ban kiểm soát đã không tham dự cuộc họp để phản đối việc ủy quyền không hợp lệ. Như vậy, số thành viên còn lại không đủ 3/4 theo luật định và điều lệ công ty, nhưng Chủ tịch HĐQT Ryotaro Ohtake, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kakazu Shogo và ông Phạm Tuấn Hà (người được ông Takashi Yano ủy quyền) vẫn tiếp tục họp và sau đó, Nghị quyết HĐQT ngày 5/8/2015 được ban hành với hai nội dung đáng chú ý: bán và thuê lại xe taxi để tăng số lượng xe taxi hoạt động; bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Hà vào vị trí Phó tổng giám đốc từ ngày 6/8/2015. 

Bất thường mua cổ phiếu PGT với giá cao

Liên quan đến cổ phiếu PGT, thời gian qua, có hàng loạt tổ chức đã báo cáo không còn là cổ đông lớn của PGT. Kèm với việc thoái vốn này là động thái mua vào của pháp nhân STT và cá nhân ông Kakazu Shogo, cũng như một số pháp nhân khác.

Từ tháng 6/2015, ông Kakazu Shogo trở thành Chủ tịch HĐQT PGT và mua hơn 1,45 triệu cổ phiếu PGT. Công ty STT cũng mua hơn 457.000 cổ phiếu PGT.

Vấn đề là việc mua cổ phần nêu trên có dấu hiệu bất thường vì khi thực hiện, Tổng giám đốc STT không thành lập Hội đồng định giá; giá PGT trên sàn giao dịch chứng khoán dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/CP, nhưng STT mua với giá 10.050 đồng/CP. Việc làm này đã gây thiệt hại và làm STT lâm vào tình cảnh mất khả năng thanh toán, tiến sát đến bờ vực phá sản.

Ban kiểm soát STT đã nhiều lần yêu cầu Tổng giám đốc Kakazu Shogo giải trình về việc mua cổ phiếu PGT, vì HĐQT đã giao cho Tổng giám đốc toàn quyền thực hiện, nhưng Tổng giám đốc liên tục trì hoãn giải trình.

Nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

STT đã thua lỗ trong các năm 2012, 2013. Năm 2014, STT thua lỗ 3 quý đầu tiên trước khi có lãi trong quý IV, giúp Công ty tránh khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ 3 năm liên tiếp. Cổ phiếu STT được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo.

Trong ĐHCĐ năm 2015, Tổng giám đốc Kakazu Shogo đã hứa với các cổ đông rằng, lợi nhuận của STT năm 2015 sẽ đạt 13 tỷ đồng. Nhưng vào cuối tháng 8/2015, khi STT công bố báo cáo hợp nhất bán niên có soát xét, số liệu kế toán cho thấy, trong 2 quý đầu năm 2015, STT lỗ 12,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 39 tỷ đồng (trong đó có khoản lỗ do mua cổ phiếu PGT).

Với tình hình này, cổ phiếu STT vẫn thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận âm và còn lỗ lũy kế. Do đó, HOSE đã có quyết định tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu STT, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu này sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của STT.              

Tin bài liên quan