Từ xưởng may mang bí số X1
Vừa hoàn thành lễ kỷ niệm 70 năm May 10 trong những ngày đầu năm mới 2016 (9/1/1956 - 9/12016), bà Huyền không dấu nổi vẻ tự hào khi “khoe” lịch sử doanh nghiệp mà mình đang nối gót thế hệ lãnh đạo May 10 trước đây. Không nhiều người biết, May 10 là doanh nghiệp xuất thân từ quân đội, với khởi điểm là 3 xưởng may quân nhu AK1, BK1 và CK1, sau đó sáp nhập thành xưởng may Hoàng Văn Thụ, rồi thêm một lần đổi tên thành Xưởng may 1 mang bí số X1.
Đến năm 1952, xưởng X1 ở Việt Bắc được đổi thành Xưởng may 10 (bí số X10), tới năm 1956 thì chuyển về Hà Nội, hợp nhất với Xưởng may X40 và thợ may quân khu Liên khu V tập kết ra Bắc và lấy tên chung là Xưởng may 10. Thời điểm đó, May 10 chỉ có 3 phân xưởng sản xuất dưới mái lá đơn xơ, máy móc thiết bị lạc hâu, chủ yếu sản xuất quân trang theo kế hoạch của Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng).
Đi qua 7 thập kỷ, hệ thống nhà xưởng của May 10 giờ đã phát triển tới con số 18, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung, tạo việc làm cho 11.000 lao động với mức lương trung bình gần 6,6 triệu đồng/người/tháng, đem lại doanh thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao là con đường mà May 10 chọn để đi rất nhanh trong khoảng 15 năm trở lại đây, đặc biệt là từ thời điểm bà Huyền nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc vào giữa năm 2006. Dưới sự điều hành của bà Huyền, May 10 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%/năm.
“Nếu tính từ thời điểm mở Xí nghiệp sản xuất Veston cao cấp xuất khẩu đầu tiên (năm 2004), thì đến cuối 2015, chúng tôi đã sở hữu 3 xí nghiệp sản xuất veston, công suất 1 triệu bộ/năm. Không lâu sau ngày lập xưởng may đầu tiên, Veston May 10 đã chinh phục được khách hàng khó tính nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Mỹ, EU”, bà Huyền tự hào.
Năm 2015 cũng đánh dấu kết quả kinh doanh đạt cao nhất từ trước đến nay của May 10, với tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng. So với năm 2010, lợi nhuận năm 2015 đã tăng 13 lần, nộp ngân sách tăng 16,6 lần, từ 4,7 tỷ đồng lên 50,1 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng lên gần 6,6 triệu đồng. Đây cũng là năm đầu tiên thương hiệu May 10 được trưng bày và giới thiệu tại Mỹ, được giới chuyên môn cũng như khách hàng đón nhận và đánh giá cao.
Trong lịch sử phát triển của ngành dệt may, May 10 còn là một trong những số ít doanh nghiệp có thâm niên và duy trì được các thế hệ cùng làm việc tại doanh nghiệp. Bà Huyền bảo, May 10 tự hào vì có tới 4 thế hệ đang công tác và cuối năm nay, sẽ đón thêm thế hệ thứ 5, nối dài truyền thống, văn hóa May 10.
Người lao động là mục tiêu
Quản lý một doanh nghiệp có hơn 11.000 lao động là không dễ dàng, nhất là với ngành dệt may vốn là ngành của nữ công nhân, tỷ lệ biến động lao động cao và quá nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là công nhân, lại cùng là nữ giới, nên quan điểm điều hành của bà Huyền khi ở vai trò là Tổng giám đốc cũng khác biệt.
“Chúng tôi coi người lao động là mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Đi kèm theo đó là những chính sách an sinh về dài hạn, để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình với công ty. May 10 là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dệt may có mô mình sản xuất gắn với trách nhiệm xã hội, khi sớm đầu tư xây dựng khu tập thể, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, trường cao đẳng nghề, trường tiểu học cho con em cán bộ, công nhân viên”, bà Huyền nói.
Sự cống hiến hết mình của người lao động khi được lãnh đạo lo ổn thỏa về đời sống được thể hiện rõ ràng qua những chỉ số về năng suất lao động khi thời gian may sản phẩm sơ mi đang từ 1.889 giây hạ xuống chỉ còn 696 giây, veston từ 12.096 giây xuống còn 5.282 giây, lập kỷ lục về năng suất lao động.
Sự khác biệt lớn nhất và cũng là điều được vị nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền tâm đắc hơn cả trong điều hành một doanh nghiệp có hơn 11.000 lao động, đó là thiết lập và duy trì được tính kỷ luật quân đội trong môi trường doanh nghiệp. “Một quốc gia, một doanh nghiệp hay thậm chí là gia đình đều phải có kỷ luật, nếu không duy trì được kỷ luật ắt sẽ loạn. Với doanh nghiệp dệt may có đặc thù là sử dụng nhiều lao động như May 10, sự bất ổn sẽ đẩy tới biến động lao động, hiệu quả sản xuất đi xuống”, bà Huyền phân tích.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền
-Trước khi ngồi vào vị trí Tổng giám đốc, bà Huyền từng trải qua các vị trí Tổ trưởng tổ sản xuất, Phó quản đốc phân xưởng May 1, Giám đốc Xí nghiệp May 3, Giám đốc điều hành Công ty, Phó tổng giám đốc May 10.
- Đến thời điểm này, bà Huyền đã có thâm niên 10 năm ngồi ghế Tổng giám đốc, trực tiếp điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 và hệ thống 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố.
- Nhận Huân chương Lao động hạng Nhì trong dịp Đại lễ 70 năm May 10 (năm 2015)
-Dưới sự lãnh đạo của bà Huyền, May 10 là doanh nghiệp dệt may đầu tiên được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009), nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 (năm 2015).
Chính kỷ luật quân đội đã giúp May 10 chưa lúc nào gặp khó vì thiếu hụt lao động, ngay cả lúc cao điểm về biến động lao động. Chẳng những thế, bà Huyền cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người khi đưa ra quy định chào cờ và hát Quốc ca mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Đến nay, nghi thức này đã trở thành những giây phút đặc biệt và thiêng liêng đối với lãnh đạo và người lao động May 10, hun thúc thêm tinh thần lao động, sự gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp.
“May 10 đã khẳng định được tiềm lực và vị thế dẫn đầu ngay cả trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng nhất. Kèm theo đó là sự công nhận của đối tác, bạn hàng quốc tế và mới đây nhất, chúng tôi đã được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên hải quan”, bà Huyền không giấu được tự hào.
Không tự hào sao được khi danh hiệu này đến với May 10 trong bối cảnh ngành dệt may có 6.000 doanh nghiệp, nhưng mới có 10 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên hải quan. Theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có quyền đi thẳng vào luồng xanh, không phải làm thủ tục kiểm tra thông thường, rút ngắn thời gian giao hàng tới tay nhà nhập khẩu.
Sẵn sàng cho “cuộc chơi” mới
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán từ cuối năm 2015, đang tạo ra sân chơi rộng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nhiều ngành hàng. Trong đó, dệt may là ngành có ưu thế hơn cả do là ngành hàng hội nhập sớm và sâu nhất, với những lợi thế được nhìn thấy ngay như việc giảm thuế, mở rộng thị trường.
Cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành, bà Huyền và May 10 không thể chậm chân trong cuộc chơi lớn đó. “TPP là một thách thức, nhưng May 10 cũng như các doanh nghiệp trong ngành đã sẵn sàng để bước vào cuộc chơi mới. Khó khăn là không tránh được, nhưng không gì là không thể. Những gì trước đây May 10 chưa làm thì bây giờ phải học để làm bằng được, với phương châm đã làm thì phải làm tốt”, bà Huyền tâm niệm.
May 10 đã chuẩn bị cho “cuộc chơi mới” từ 4 - 5 năm trước, với tham vọng tăng nhanh quy mô sản xuất, đón lõng các cơ hội về thị trường và thuế do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho các ngành xuất khẩu. “Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ nội dung TPP, cả FTA với EU và Hàn Quốc với mục tiêu tận dụng năng lực truyền thống của mình trong sản xuất sơmi, veston, quần âu… để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu”, bà Huyền cho biết thêm.
Đơn cử, với những yêu cầu khắt khe hơn về xuất xứ trong TPP (quy tắc “từ sợi trở đi”), giải pháp của May 10 là tìm kiếm ngay một số loại nguyên liệu thuộc Danh mục nguồn cung thiếu hụt để vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan, chứ không đơn thuần chỉ tăng kim ngạch xuất khẩu.
Với những gì đã chuẩn bị, bà Huyền tin rằng, mục tiêu 3.100 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016 sẽ nằm trong tầm tay của May 10. Nhưng tham vọng của người đứng đầu May 10 không chỉ có thế. “Chúng tôi đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, May 10 sẽ trở thành tập đoàn đa ngành. Trong đó, điểm mới so với thời kỳ trước là May 10 sẽ tham gia đầu tư sợi, dệt, mua cổ phần từ các doanh nghiệp nguyên phụ liệu để phát triển chuỗi cung ứng”, bà Huyền nói.
Để hiện thực hóa được tham vọng này, kỷ luật quân đội mà bà Huyền đã gây dựng chắc chắn không chỉ được giữ vững mà phải bồi đắp thêm, làm dày thêm văn hóa, truyền thống May 10.