Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP
Trao đổi với đài CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, bà Georgieva nhận định lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn cần được "khắc phục" cùng với mức nợ chính quyền địa phương tăng cao. Về lâu dài, Tổng giám đốc IMF lưu ý đến thách thức liên quan đến những thay đổi về nhân khẩu học và "sự mất niềm tin" của người tiêu dùng.
"Sau cùng, điều Trung Quốc cần làm là cải cách cơ cấu để tiếp tục mở cửa nền kinh tế, cân bằng mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tiêu dùng nội địa nhiều hơn, nghĩa là tạo thêm niềm tin cho người dân, để [họ] không tiết kiệm mà chi tiêu nhiều hơn", Tổng giám đốc IMF nói thêm.
"Tất cả những điều này sẽ giúp Trung Quốc giải quyết những gì chúng tôi dự đoán rằng, nếu không có cải cách thì tốc độ tăng trưởng sẽ giảm khá đáng kể xuống dưới 4%", bà Georgieva cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng chậm chạp trong năm 2023, do lực cản từ bất động sản suy thoái và xuất khẩu sụt giảm. Các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.
Thật vậy, nền kinh tế Trung Quốc gây thất vọng khi không phục hồi nhanh như mong đợi sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt vào tháng 12/2022.
Ngoài du lịch và một số lĩnh vực nhất định như ô tô điện, tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc trong năm 2023 xuất phát từ những vấn đề của ngành bất động sản và sự sụt giảm xuất khẩu.
Một số ngân hàng đầu tư quốc tế đã nhiều lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023. Sau tất cả những thăng trầm, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn được nhiều tổ chức dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.
Trong báo cáo công bố đầu tháng 1/2024, các nhà phân tích của Citi nhận định: "Phản ứng chính sách là điều cần thiết để củng cố đà phục hồi". Họ hy vọng rằng ngay từ tháng 1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể giảm lãi suất, chẳng hạn như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Các nhà phân tích của Citi cũng dự đoán GDP của Trung Quốc có thể tăng 4,6% trong năm 2024".
Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách hỗ trợ dần dần. Tuy nhiên, tác động từ những chính sách này cần có thời gian để thẩm thấu.
Các nhà phân tích của Citi nói: "Chúng tôi tin rằng, việc ổn định ngành bất động sản, thoát khỏi hẳn tình trạng giảm phát, thực thi chính sách và truyền thông tốt hơn đều là cần thiết để phục hồi niềm tin, những cũng không thể thiếu các biện pháp kích thích và những cải cách tốt được hoan nghênh". Tuy nhiên, "rủi ro là thị trường có thể không đủ kiên nhẫn với những cải cách", các nhà phân tích của Citi lưu ý.
Giữa tháng 12/2023, các cơ quan chức năng hàng đầu của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp thường niên để thảo luận chính sách kinh tế cho năm tới. Thông báo chính thức về cuộc họp đã không đưa các kế hoạch kích thích kinh tế đáng kể nhưng xác định đổi mới công nghệ là công việc đầu tiên phải làm.
"Đối với những người đã đầu tư vào Trung Quốc mà gần như bị mắc kẹt với khoản đầu tư đó trong năm 2023, thì nay tin rằng chất xúc tác sẽ đến", ông Jason Hsu, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Rayliant Global Advisors, đánh giá.
"Họ không thực sự tập trung vào các nền tảng cơ bản của các công ty trên thị trường", ông Jason Hsu nhận định. "Họ chỉ đang đặt cược vào chính sách tài chính và tiền tệ thuần túy để vực dậy nền kinh tế và thị trường chứng khoán".
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có thúc đẩy tăng trưởng như cách họ đã làm trước đây hay không.
Tháng 11/2023, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc lên 5,4% sau một số động thái chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết họ vẫn dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,6% vào năm 2024, đồng thời cảnh báo những vấn đề của ngành bất động sản vẫn tiếp diễn.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF, là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu tham dự Hội nghị thường niên WEF diễn ra đến ngày 19/1. Chủ đề của Hội nghị WEF 2024 là "xây dựng lại niềm tin" với chương trình nghị sự tập trung vào những căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh toàn cầu cũng như lạm phát và tăng trưởng kinh tế.