Ông Trần Trọng Hiếu

Ông Trần Trọng Hiếu

Tổng giám đốc IDJF: thay đổi để tìm cơ hội mới

(ĐTCK) Sau 6 năm điều hành Công ty cổ phần Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ Financial), ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc quyết định chuyển giao quyền điều hành cao nhất cho Phó tổng giám đốc đương nhiệm, ông Trần Viết Giang, để dành nhiều thời gian tư duy chiến lược cho IDJ Financial.

Trao đổi với ĐTCK, ông Hiếu cho biết, trên cương vị Thành viên HĐQT thường trực, ông sẽ “bước ra ngoài” nhiều hơn, sẽ tích tụ thêm kiến thức, thông tin để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới cho Công ty.

Là một trong hai người đầu tiên sáng lập IDJ Financial và trực tiếp đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc nhiều năm, vì sao ông quyết định chuyển giao vị trí này cho một nhân sự khác, thưa ông?

Tôi đã trực tiếp điều hành IDJ Financial 6 năm và đã song hành cùng Công ty đến nay là 8 năm, nếu tính từ ngày có ý tưởng thành lập và thực hiện các bước vận động để thành lập công ty này. Trong 6 năm qua, tôi tham gia HĐQT trên cương vị Chủ tịch hoặc thành viên HĐQT tại 6 DN, khiến tôi thiên về vai trò “Người nghĩ” nhiều hơn là “Người điều hành”. Khi DN ở quy mô nhỏ, 2 vai trò này có thể ở trong cùng 1 nhân sự, nhưng khi DN đủ lớn, nếu người làm chiến lược cũng chính là người điều hành thì sẽ không có lợi cho cả tổ chức và cá nhân. Một DN đủ lớn luôn cần có Ban điều hành độc lập và đó cũng là một tiêu chí phản ảnh sự trưởng thành của tổ chức khi có đội ngũ kế cận đủ mạnh, đủ sức tách khỏi người sáng lập và chủ động triển khai kinh doanh. IDJ Financial cũng vậy. Ở quy mô vốn điều lệ 326 tỷ đồng, với 5 công ty liên kết, quản lý nhiều tài sản, dự án quan trọng, đã đến lúc chúng tôi cần cải tiến mô hình điều hành và đây là lý do chính khiến tôi quyết định chuyển giao vai trò Tổng giám đốc cho nhân sự Phó tổng giám đốc, một người rất chín chắn, nhưng cũng đầy nhiệt huyết trong việc phát triển IDJ Financial.

Cũng cần nói thêm là, với cá nhân tôi, sau nhiều năm hoạt động liên tục, tôi cần có thời gian để bồi đắp thêm kiến thức và thông tin cho chính mình, nhằm tìm kiếm cơ hội mới cho IDJ Financial theo tư cách của người làm chiến lược. Tôi dự kiến sẽ thực hiện nhiều chuyến đi tìm hiểu thị trường nước ngoài, để học hỏi và kết nối các cơ hội đầu tư mới.

 

Trong các dự án đầu tư của IDJ Financial, nhiều người nhận xét rằng, Trường Hà Nội Academy mang lại thành công không chỉ ở khía cạnh kinh tế, mà đặc biệt là ở khía cạnh xã hội, khi Trường cung cấp dịch vụ giáo dục song ngữ có chất lượng tốt với trẻ em Hà Nội. Ở cương vị “Người nghĩ”, ông có tính đến việc sẽ mở thêm những trường học như vậy tại các thành phố lớn của Việt Nam ?

Dự án đầu tư và mở rộng mô hình Trường Hà Nội Academy là tâm huyết từ lâu của Công ty chúng tôi, chúng tôi muốn phát triển ở cả Đà Nẵng, TP. HCM và mở thêm trường ở Hà Nội. Chúng tôi đã dành nhiều tâm sức, tiền của để xây dựng hạ tầng nhà trường và xác lập bộ máy đào tạo chất lượng cao tương đương các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ và đã đầu tư nhiều cho việc mua bản quyền chương trình đào tạo rất đắt tiền từ các nước phát triển, nên rất muốn nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, như các bạn cũng biết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, mà Việt Nam phải chịu ảnh hưởng, đã mang đến rất nhiều khó khăn, nhất là với các DN. Đây là lý do chính khiến việc mở rộng mô hình Trường Hà Nội Academy chưa được triển khai, nhưng tôi khẳng định, khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, một trong những việc quan trọng chúng tôi sẽ làm là xây dựng những ngôi trường như vậy tại các thành phố lớn, để mang đến chất lượng giáo dục tốt nhất cho các em học sinh, đồng thời đó cũng là dự án nhiều tiềm năng, xét về hiệu quả kinh tế.

 

Nếu Hà Nội Academy là dự án tâm huyết và thành công của IDJ Financial thì một dự án rất nổi tiếng khác là khai thác kinh doanh Trung tâm thương mại Grand Plaza dường như chưa mang lại kết quả. Ông có hướng đi nào để khôi phục hiệu quả của dự án này?

Dự án Trung tâm thương mại Grand Plaza và dự án khai thác văn phòng CharmVit Tower là các hạng mục tài sản có giá trị nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh của Công ty. Hiện nay, khu vực tòa Văn phòng đang khai thác tốt, nhưng Grand Plaza phải tạm thời dừng lại do hoạt động không hiệu quả. Grand Plaza khi ra đời đã được chúng tôi triển khai theo một mô hình kinh doanh từng rất thành công tại Hồng Kông (chia nhỏ để bán hoặc cho thuê với các nhà đầu tư), nhưng điều không may mắn là dự án được triển khai đúng giai đoạn nền kinh tế thế giới và Việt Nam rất khó khăn, thị trường bất động sản lại khó khăn hơn nữa, nên hiệu quả không đạt như mong muốn. Trong thời gian tới, tôi mong muốn sẽ tìm được một hướng kinh doanh hoàn toàn mới cho Grand Plaza . Chúng tôi đang tính đến việc cho thuê toàn bộ Trung tâm thương mại cho một đối tác lớn hoặc cho thuê từng tầng cho các khách hàng lớn. Để thực hiện định hướng này, chúng tôi sẽ phải tập trung nhân sự và nguồn lực để đàm phán với nhà đầu tư, tìm kiếm khách hàng lớn, đàm phán để đi đến kết quả cụ thể cho các bên.

 

Là người sáng lập và điều hành Công ty 6 năm liền, nay ông quyết định thay đổi để tìm một cơ hội mới cho IDJ Financial. Điều gì ông cảm thấy hạnh phúc nhất cũng như trăn trở nhất trong 6 năm vừa qua? 

Điều hạnh phúc nhất là IDJ Financial đã từng bước khẳng định thương hiệu của mình với tư cách là một công ty đầu tư sáng tạo, hiệu quả và uy tín. Ra đời năm 2007 với số vốn 149,6 tỷ đồng, đến nay, Công ty đã nâng vốn điều lệ lên 326 tỷ đồng,  thực hiện niêm yết trên TTCK và cổ phiếu của Công ty được chọn vào rổ tính chỉ số HNX30 - chỉ số đại diện cho các DN có mức vốn hóa lớn và thanh khoản nhất thị trường. IDJ Financial cũng từng ghi tên mình trong TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam và từ khi ra đời đến nay chỉ có duy nhất 1 năm bị lỗ (năm 2011), còn lại đều có lãi và có năm lãi lớn (năm 2009, lợi nhuận đạt 84,3%). Tổng lợi nhuận 6 năm qua của IDJ Financial là 196,5 tỷ đồng, Công ty đã đóng góp cho Ngân sách Nhà nước thông qua các loại thuế ở mức gần 50 tỷ đồng. Cùng với đó là những hoạt động xã hội từ thiện mà chúng tôi đã thực hiện đều đặn qua từng năm, kể cả lúc khó khăn cũng như thuận lợi.

Tổng giám đốc IDJF: thay đổi để tìm cơ hội mới ảnh 1

Ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc IDJ Financial ký thỏa thuận hợp tác với đối tác Mỹ trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007 tại Los Angeles, Mỹ

Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc là sự trăn trở khi có những dự án chúng tôi chưa thành công. Grand Plaza là dự án điển hình. Tìm một chiến lược kinh doanh mới cho Grand Plaza và thực hiện được thành công đang là trăn trở lớn nhất của tôi cũng như HĐQT lúc này. Tôi muốn dành nhiều thời gian, tâm sức để cùng với HĐQT tìm ra câu trả lời trong một định hướng kinh doanh hoàn toàn mới. Chỉ cần dự án này hoạt động trở lại, hiệu quả kinh doanh của IDJ Financial sẽ cải thiện rất nhiều.

 

Như ông vừa nói, một trong những việc ông định làm khi chuyển giao vị trí Tổng giám đốc IDJ Financial cho nhân sự mới là sang nước ngoài tìm hiểu thị trường và học hỏi kinh nghiệm. Vậy đâu sẽ là điểm đến đầu tiên, thưa ông?

Ngay từ khi thành lập, IDJ Financial đã có sự góp vốn của nhà đầu tư Nhật Bản và đối tác Nhật đã tham gia HĐQT Công ty. Trong quá trình vận hành, IDJ Financial nhận thêm sự góp vốn của các nhà đầu tư từ Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ, họ vừa là cổ đông, vừa là những đối tác đã, đang và sẽ có mối quan hệ kinh tế với IDJ Financial.  Chính vì vậy, tôi dự kiến sẽ đến các thị trường này, ở lại lâu hơn để hiểu thị trường vốn, hiểu đối tác hơn và từ đó tìm kiếm khả năng kết nối các cơ hội đầu tư, tìm thêm dòng vốn mới. Với cá nhân mình, tôi cũng rất cần khoảng thời gian này để tĩnh dưỡng và học hỏi, sau nhiều năm liền tôi dành quá nhiều thời gian điều hành công việc hàng ngày. Tôi cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho cả cá nhân tôi và tổ chức.