Tổng giám đốc điều hành Amata Vietnam: Khu công nghiệp phải đủ lớn mới tối ưu được giá trị

0:00 / 0:00
0:00
Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Vietnam cho rằng, một trong những giải pháp để gia tăng sức hấp dẫn bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là cần phải bỏ giới hạn về diện tích.

Là một trong những nhà đầu tư FDI phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam từ năm 1994 đến nay, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên mở rộng giới hạn quy mô diện tích của Khu công nghiệp để các nhà đầu tư hạ tầng có thể xây dựng được chính chính sách, những kế hoạch phát triển thu hút đầu tư có tính dài hạn và chiến lược.

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/5 tại TP.HCM, bà Somhatai cho hay, các thành phố công nghiệp thông minh hoàn hảo trên khắp các quốc gia GMS ngày nay đều có diện tích trên 10.000 ha. Các thành phố này có nền sản xuất cao nhất, chi phí thấp, năng lượng xanh và môi trường tốt, xả thải rất thấp.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố công nghiệp thông minh tại Diễn đàn. (Ảnh: Lê Toàn)
Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố công nghiệp thông minh tại Diễn đàn. (Ảnh: Lê Toàn)

Đó cũng là mô hình mà Tập đoàn Amata xây dựng và mang đến Việt Nam. Tại các địa phương như Đồng Nai hay Quảng Ninh, tập đoàn đều lấy khu công nghiệp là cốt lõi với nền sản xuất cao, thân thiện với môi trường, từ đó, hình thành và xây dựng cộng đồng dân cư chất lượng cao, tiến tới xây dựng một thành phố thông minh.

Ở thành phố thông minh này, các yếu tố như sản xuất, năng lượng, giáo dục, quản trị, xử lý chất thải đều phải sử dụng công nghệ thông minh, để cải tiến và tạo ra các giá trị cho các bên liên quan, khách hàng, nhân viên, cộng đồng,...

Việt Nam đã công bố đưa chỉ số phát thải về mức 0 vào năm 2050, còn mục tiêu của Amata là trở thành Thành phố thông minh carbon thấp với mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Tại Việt Nam, Amata đã và đang hỗ trợ chuyển đổi sang hệ sinh thái mới và nền kinh tế tuần hoàn. “Từ năm 2020, các khách thuê của chúng tôi, đại diện cho tỉnh Đồng Nai, đã tham gia chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, bà Somhatai cho biết.

“Từ thành công tại Amata Thái Lan - Thành phố Amata Chonburi, chúng tôi đã đưa ra nhiều đề xuất để thảo luận thêm với chính quyền địa phương về nước tái chế, năng lượng xanh, trữ lượng nước… cũng như việc quản lý thành phố Công nghiệp bằng Professional. Cuối cùng, chúng tôi thực sự mong đợi và tin tưởng cao rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu và Amata nhất định sẽ chung tay, góp sức, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp của chúng ta, cuộc sống chất lượng cao cho cộng đồng, hài hòa với môi trường”, bà Somhatai khẳng định.

Bà Somhatai tham gia trao đổi tại phiên thảo luận “Kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp" của Diễn đàn. (Ảnh: Lê Toàn)

Bà Somhatai tham gia trao đổi tại phiên thảo luận “Kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp" của Diễn đàn. (Ảnh: Lê Toàn)

Tuy nhiên, phân tích tại phiên thảo luận “Kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp" của Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022, thì việc phát triển các thành phố công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường sẽ tăng chi phí của nhà đầu tư hạ tầng, song lại là giải pháp hiệu quả cho khách hàng để giảm thiểu cho phí đầu tư.

Vậy làm cách nào để các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như Amata có thể tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, giúp chúng tôi khẳng định được rằng mình đã đầu tư đúng nơi, đúng chỗ?”, bà Somhatai đặt vấn đề.

Giải pháp được bà Somhatai chỉ ra là phải làm với quy mô lớn. Vì lẽ đó, Tổng giám đốc điều hành của Amata Việt Nam đã đề xuất rằng Chính phủ Việt nam xem xét lại việc giới hạn diện tích của Khu công nghiệp.

“Tại nhiều quốc gia chúng tôi đang đầu tư thì đa phần đều có quy mô hơn 10.000 ha. Với quy mô này, chúng tôi mới có thể đưa ra những quy hoạch lớn hơn, kế hoạch lớn, cùng hợp tác với các đối tác lớn, để làm nó trở nên cạnh tranh hơn”, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam chia sẻ.

Cả bà Somhatai và các diễn giả khác của phiên đều có chung nhận định là không thể đi một mình trong việc xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường. (Ảnh: Lê Toàn)
Cả bà Somhatai và các diễn giả khác của phiên đều có chung nhận định là không thể đi một mình trong việc xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường. (Ảnh: Lê Toàn)

Về việc xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp theo hướng tôn trọng môi trường, cả bà Somhatai và các diễn giả khác của phiên đều có chung nhận định là không thể làm một mình. Cần phải có sự tương hỗ giữa các nhà đầu tư thứ cấp trong khu. Đặc biệt, với khu công nghiệp có quỹ đất đủ lớn, nhà đầu tư hạ tầng có thể hợp tác cùng đối tác lớn khác để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện cả một thành phố công nghiệp thông minh như Amata đã và đang làm tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo bà Somhatai, để đón dòng vốn mới, chất lượng, thì Chính phủ Việt Nam và các địa phương nơi có dự án khu công nghiệp cần đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông và tăng tính kết nối, đặc biệt là các khu vực còn quỹ đất rộng – nhưng lại chủ yếu ở khu vực còn nhiều khó khăn.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đang và sẽ tiếp tục vào Việt nam. Chỉ là việc chúng ta phải dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà của mình như thế nào để sẵn sàng đón khách. Trong đó, với việc có một hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán từ trên xuống dưới thì Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan hay bất kỳ 1 quốc gia nào trong khu vực ASEAN thu hút dòng vốn. Bởi Việt Nam có vị trí chiến lược, có các nhà lãnh đạo tài giỏi, có thị trường lao động trẻ và năng động,... Nhìn xa đến 2030 thì Việt Nam vẫn sẽ là đất nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong thu hút dòng vốn”, bà Somhatai đánh giá.

Tin bài liên quan