Phối cảnh Nút giao tuyến đường số 1 và đường 70.

Phối cảnh Nút giao tuyến đường số 1 và đường 70.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An: “Có mặt bằng sạch, dự án sẽ vượt tiến độ”

(ĐTCK) Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đặng Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An khẳng định, thông tin dự án bị chậm tiến độ, đội vốn là chưa chính xác, đồng thời tiết lộ, UBND TP. Hà Nội sẽ sớm có những giải pháp cùng nhà đầu tư xử lý các khúc mắc trong giải phóng mặt bằng để hoàn thành trước thời hạn dự án.

Tăng vốn vì bổ sung hạng mục

Dự án Đường giao thông bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 và được UBND TP. Hà Nội giao Công ty cổ phần Bitexco đầu tư, tổng mức đầu tư 1.449 tỷ đồng, thi công trong thời gian 36 tháng kể từ ngày khởi công dự án. Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An là pháp nhân được Bitexco thành lập nhằm tập trung hoàn thiện dự án này.

Thời gian gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng, dự án này đang chậm tiến độ nghiêm trọng. Về vấn đề này, ông Đặng Thanh Bình cho biết, nếu chỉ đơn giản nhìn vào Quyết định số 1731/QĐ-UBND thì đúng là dự án đã quá thời hạn 36 tháng.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng và thủ tục lập phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công của các cơ quan chức năng Hà Nội kéo dài hơn thời hạn đã định, nên ngày 15/5/2014 dự án mới chính thức được khởi công (đến ngày 14/5/2017 mới kết thúc thời hạn 36 tháng theo quyết định phê duyệt).

Ngoài ra, đến tháng 2/2017, UBND TP. Hà Nội giao thêm cho Công ty cổ phần Bitexco đầu tư hạng mục “Nút giao hoàn chỉnh giữa tuyến đường số 1 và đường 70” (dự án cũ chỉ có cầu vượt trực thông), hạng mục tuyến ống nước sạch D400 và một số hạng mục khác.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An: “Có mặt bằng sạch, dự án sẽ vượt tiến độ” ảnh 1

Ông Đặng Thanh Bình.

Tiếp đó, tại Quyết định số 3830/QĐ-UBND ngày 24/6/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, UBND Thành phố tiếp tục giao Công ty cổ phần Bitexco bổ sung vào dự án đó đường cấp nước, thay đổi vật liệu lát vỉa hè từ gạch bê tông sang lát đá tự nhiên và hoàn thành nút giao đường 70, đồng thời tiến độ đã được điều chỉnh thành 54 tháng kể từ tháng 5/2014. Như vậy, phải đến tháng 11/2018 mới hết thời hạn hợp đồng này.

Với việc UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh của dự án, đầu tư xây dựng nút giao hoàn chỉnh giữa tuyến đường số 1 và đường 70 là vòng xuyến có 5 đường dẫn vào nút và một đảo trung tâm thiết kế theo quy chuẩn đường đô thị, đồng thời bổ sung tuyến ống cấp nước sạch D400 và đấu nối với hệ thống truyền dẫn D800 ở đường vành đai 3, điểm cuối với nút giao đường 70 và dự án cũng bổ sung một số hạng mục nhỏ khác, nên tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1731/QĐ-UBND được điều chỉnh từ 1.449 tỷ đồng lên 1.921 tỷ đồng (làm tròn), bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

“Con số 471 tỷ đồng tăng thêm do bổ sung các hạng mục thành phần của dự án đã được các cơ quan quản lý của TP. Hà Nội thẩm định, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra và được UBND Thành phố phê duyệt”, ông Đặng Thanh Bình cho biết.

Có mặt bằng sạch chắc chắn sẽ vượt tiến độ

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án, ông Bình chia sẻ, tính đến thời điểm này, tiến độ dự án vẫn đang được thực hiện trong phạm vi thời gian của Quyết định 3830/QĐ-UBND.

Theo đó, toàn bộ các hạng mục đầu tư trên các tuyến đường giao thông theo hợp đồng trên phạm vi có mặt bằng, Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An đã hoàn thành theo tiến độ 36 tháng.

Tuy nhiên, do thực hiện Quyết định số 3830/QĐ-UBND, hiện nay, Công ty đang hoàn thiện, thi công bổ sung một số hạng mục trên đoạn đường chính như bổ sung tuyến ống cấp nước, thay đổi vật liệu lát hè từ gạch bê tông sang đá tự nhiên. Về công tác thi công mặt đường, Công ty sẽ trải thảm nhựa khoảng 1 tháng trước khi bàn giao.

Ngoài ra, trên tuyến chính còn một làn thô sơ 7 m hiện chưa hoàn thiện do phải chờ Tổng công ty Điện lực Hà Nội đặt bổ sung tuyến cáp ngầm trung thế 22 kV để truyền dẫn điện từ Trạm biến áp 110 kV. Vị trí trạm này có sự thay đổi theo Quyết định 1995/UBND-ĐT ngày 8/5/2018 của UBND TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, chủ đầu tư lo ngại, nếu vướng mắc lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng hạng mục cầu vượt trực thông và nút giao hoàn chỉnh hiện nay không được xử lý rốt ráo thì nguy cơ chậm tiến độ là rất cao. Theo đó, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 5,6 ha.

“Vướng mắc chính là giải phóng mặt bằng cho các hộ dân có đất ở trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hà Đông. Toàn bộ phạm vi đất nông nghiệp thì UBND Thành phố đã giao cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chỉ có trách nhiệm lo nguồn vốn để chi trả cho người dân khi có các quyết định về phương án đền bù”, ông Bình giải thích.

“Hiện nay, phạm vi đất nông nghiệp cơ bản đã được giải phóng xong. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại là trên địa bàn huyện Thanh Trì có 99 hộ dân có đất ở chưa được bố trí tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trên địa bàn quận Hà Đông còn 13 hộ dân có đất ở đang thực hiện giải phóng mặt bằng”, ông Bình nói và cho biết, ngày 23/7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án này.

“Do đó, chúng tôi hy vọng, Thành phố sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư được nhận mặt bằng sạch trong thời gian tới. Nếu có mặt bằng, thay vì 18 tháng để thi công như yêu cầu của Thành phố, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành dự án tối đa trong 14 tháng”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đường BT Chu Văn An cam kết.

Liên quan đến Kết luận số 1785 ngày 19/7/2017 của Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền 12,177 tỷ đồng trong tổng giá trị dự án BT, ông Bình cho biết, nhà đầu tư và Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã thống nhất phương án xử lý.

Theo đó, Công ty cổ phần Bitexco và cơ quan ký kết hợp đồng dự án đã thống nhất cắt giảm số tiền hơn 12 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vào giá trị hợp đồng điều chỉnh tại Phụ lục Hợp đồng BT sẽ ký kết.

“Trong một dự án có tổng giá trị hơn 1.921 tỷ đồng, độ dung sai 12 tỷ đồng như kết luận của cơ quan thanh tra là không lớn, nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật như việc lập thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác và chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết luận”, ông Bình nói và khẳng định, mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư hiện tại là sớm được nhận mặt bằng sạch để hoàn thiện công trình.

Bởi lẽ, sự chậm trễ không chỉ gây thêm tốn kém cho nhà đầu tư và Nhà nước, mà còn gây ách tắc giao thông ở một trong những tuyến đường vành đai trọng điểm và tạo ra những hiểu nhầm không đáng có.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan