Dù ĐHCĐ bất thường năm 2023 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) không đủ tỷ lệ để tổ chức, nhưng ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty vẫn dành thời gian thêm để chia sẻ thông tin cùng với hơn 200 cổ đông tham dự trực tiếp đại hội.
Đại hội lần này nhằm thông qua tờ trình quan trọng là triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Các dự án CII đang nghiên cứu tập trung ở khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP. HCM. Trong đó, dự án lớn nhất mà doanh nghiệp này muốn triển khai là cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, CII cũng có kế hoạch nghiên cứu đầu tư vào hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.
Các cổ đông tập trung thảo luận về các vấn đề trên và Tổng giám đốc Lê Quốc Bình đã có những chia sẻ cùng cổ đông.
Khả năng trúng thầu 5 dự án sắp triển khai như thế nào? Tiến trình để trúng thầu cụ thể ra sao?
Nếu đầu tư theo hình thức BOT, hiện nay CII là số 1 trên thị trường, bao gồm cả tư nhân lẫn DNNN nên khả năng Công ty tham gia đấu thầu và trúng các dự án mới là cao. Hiện nay có 2 vấn đề rất lớn CII đang tham mưu cho TP.HCM và làm việc với các đơn vị tư vấn cho TP.HCM.
Thứ nhất, nhà đầu tư không có năng lực tài chính. Nhiều dự án BOT sau khi nhà đầu tư đấu và trúng xong để đó, vì không có khả năng huy động vốn để làm. Nếu đi vay làm dự án BOT thì hầu như không có ngân hàng nào cho vay, trừ CII (vì có lịch sử tín dụng tốt, có tên tuổi, có dữ liệu đầu vào tốt…).
Thứ hai, gần 95% các nhà đầu tư trong PPP hạ tầng là các nhà thầu. Đa phần quan tâm khối lượng thi công hơn là khả năng hoàn vốn dự án, nên khi bỏ giá dự thầu luôn cố bỏ thấp để đạt được khối lượng thi công cao; trong khi đó CII chọn độ an toàn làm trọng, có khả năng hoàn vốn, sau đó mới tính đến sẽ làm gì, lời lỗ sao….
Về tiến trình các dự án PPP: HĐND TP.HCM sẽ duyệt phần đầu tư, các cơ quan thẩm quyền lập dự án đầu tư, tổ chức mời thầu, nhà thầu tham gia thầu, trúng thầu, làm hợp đồng. Như vậy, tiến trình nếu nhanh thì phải mất khoảng 18 tháng và chậm là 2-3 năm. Tuy nhiên, muốn tham gia dự thầu, để có cơ sở dữ liệu chắc chắn, tự tin, để đưa ra giá dự thầu thì cần làm ngay từ giờ.
Công ty đề ra kế hoạch doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tới nay có điều chỉnh gì không?
Giảm. Giảm chắc. Nguyên nhân là có các sai số làm giảm doanh thu. Thứ nhất, lộ trình điều chỉnh tăng giá cước thu phí bị lệch, hoãn lại. Theo hợp đồng BOT ký từ 2018 đã được tăng giá nhưng tới nay vẫn chưa được tăng vì Chính Phủ đang giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Do đó, nếu điều chỉnh tăng giá cước đường bộ thì 2 chủ trương có vẻ mâu thuẫn.
Thứ 2 là dù Chính Phủ thành lập tổ gỡ vướng cho bất động sản, nhưng tới nay nhiều dự án vẫn chưa thông pháp lý, chưa đạt kế hoạch dự tính của CII. Hy vọng tháng 9-10/2023 sẽ gỡ được 1-2 dự án.
Năm nay, doanh thu bất động sản sẽ đứng hình, dù CII đi vào phân khúc dành cho người tiêu dùng, không phải cao cấp. Sản phẩm CII giờ mang ra bán thì sẽ bán hết, nhưng không được bán lúc này (căn hộ 54 m2 – 2pn, dưới 2 tỷ/căn – sẽ hấp thụ tốt) vì pháp lý chưa xong, mình cũng không muốn “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Khi nào chia cổ tức?
Cổ tức bằng cổ phiếu 14%: Sau ĐHCĐ vừa qua, CII đã làm hồ sơ xin phát hành trái phiếu chuyển đổi ngày 26/6 và hiện đang chờ giấy phép. Xong trái phiếu chuyển đổi, CII mới thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Còn cổ tức tiền mặt 15%: Sau khi thực hiện phát hành TPCĐ thì chia cổ tức mỗi quý 4%, chia vào ngày đầu mỗi quý, bởi khi hoàn tất TPCĐ thì doanh nghiệp mới có dòng tiền từ trạm BOT mạnh, tích lũy tiền và chia cổ tức theo quý.
Thời gian chuẩn bị phát hành trái phiếu, hy vọng cuối tháng này có giấy phép phát hành và sẽ phát hành TPCĐ trong tháng 11 (chỉ được phát hành 90 ngày từ ngày có giấy phép). Vấn đề pha loãng, trước khi phát hành TPCĐ thì giá trên sàn không điều chỉnh, và tại thời điểm phát hành thì chưa pha loãng. Sau mỗi năm thì có 1 lượng trái phiếu thực hiện chuyển đổi, và chuyển đổi trong 10 năm, tức mức pha loãng phụ thuộc vào mức độ chuyển đổi của cổ đông, và có tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng là hướng đến quy mô vốn, quy mô vốn càng tăng lên tương ứng với quy mô đầu tư, đồng thời CII có danh mục dự án BOT mạnh, dòng tiền ổn, và đổi lại là CII chia cổ tức đều đặn, nên càng về sau, độ hấp dẫn cổ phiếu CII càng khác, mức độ đại chúng cũng khác.
Tôi rất vui vì thanh khoản CII gần đây tăng mạnh, điều này cho thấy luôn có sự thay thế lớp cổ đông mới, đồng thời thanh khoản cao thì giá trị công ty cũng đi vào thực chất hơn.
CII chia sẻ thêm về lĩnh vực đầu tư lĩnh vực bất động sản y tế, bất động sản hưu trí, như quy mô vốn, dòng tiền sinh lời và rủi ro khi tham gia?
Hạ tầng y tế và bất động sản y tế, đây là 2 lĩnh vực CII xác định rõ không tham gia trực tiếp dự án bất động sản mà khai thác lợi thế bất động sản hình thành từ cơ sở hạ tầng.
Đối với bất động sản y tế, CII chỉ ra 2 câu chuyện lớn. Thứ nhất, Nghị quyết 08 cho phép làm PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Hiện có khái niệm “khách sạn bệnh viện” và CII đang nghiên cứu lĩnh vực này để tham gia. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều, CII làm trên tinh thần khai thác các quỹ đất hiện có.
Cụ thể, CII khai thác khối đế các dự án chung cư để làm phòng khám, đang dự kiến làm ở quỹ đất NBB2 – nằm trên đường Võ Văn Kiệt nối dài, nằm trên trục Hồ Chí Minh - miền Tây. CII hướng tới khối đế 4 tầng của dự án tổ chức các hệ thống phòng khám, liên kết các bệnh viện lớn, và dành 1 block chung cư để làm căn hộ cho thuê, tổ chức các dịch vụ khép kín cho người dân.
Thứ hai là hạ tầng y tế, hiện nay thế hệ 55 – 65 tuổi có nhu cầu ở nơi có hạ tầng. CII không làm bất động sản dưỡng lão, mà CII xây khu chung cư có dịch vụ cho người lớn tuổi (phòng khám y tế, có massage, có dịch vụ giúp việc…).
CII cũng nhắm tới 2 dự án nữa ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Củ Chi. Nếu CII trúng thầu làm hạ tầng thì sẽ có cơ hội khai thác các quỹ đất, không loại trừ quỹ đất chung cư.
CII sở hữu 5% cổ phiếu HUT với mục đích gì?
HUT gắn với CII ở lĩnh vực rất lớn là thu phí tự động. Liên danh để triển khai đầu tư dự án này có 2 đơn vị của HUT, công ty cầu đường và CII (công ty mẹ). Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu HUT tăng tốt, vượt quá giá trị mà mình đánh giá thì CII sẽ bán và sau đó sẽ mua lại.
Cụ thể như đầu tư vào NBB trước đây. Khi dòng tiền trên thị trường trả giá cao, lên 4x thì CII đã bán ra NBB và đến khi giảm về 2x, CII đã tính toán và mua lại nên tỷ lệ sở hữu tại NBB vẫn giữ được.